Hoạt động của ngành

Lên Minh Hóa (Quảng Bình) say với điệu… Hò thuốc cá

Cập nhật: 14/08/2024 14:43:26
Số lần đọc: 449
Minh Hóa là huyện biên giới của tỉnh Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng với trùng điệp núi đồi, cùng những thung lũng nằm nép mình dưới những dãy núi đá hùng vĩ. Đây là nơi sinh sống, giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc.


Người dân Minh Hóa biểu diễn Hò thuốc cá

Ai lên Minh Hóa thân thương/ Chè xanh mật ngọt đượm tình quê hương, là làn điệu “Hò thuốc cá” chan chứa đầy tình yêu quê hương với lời mời gọi tha thiết mà nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống (82 tuổi, trú tại thị trấn Quy Đạt) hát cho chúng tôi khi đặt chân đến Minh Hóa.

“Bí mật” chưa được “bật mí”

“Hò thuốc cá”, một điệu hò được ra đời từ lao động, sản xuất của người Nguồn huyện Minh Hóa. Từ xa xưa, cuộc sống của người Nguồn ở huyện Minh Hóa chủ yếu là săn bắt, phát rừng làm nương rẫy, đánh ong lấy mật và thịnh hành nhất phải kể đến nghề thuốc cá. “Hò thuốc cá” bắt nguồn từ nghề chế thuốc từ rễ của một loại cây trên rừng làm thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá.

Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa huyện Minh Hóa cho biết, “cứ vào dịp mùa Đông và mùa Xuân, người Nguồn đi từng đoàn lên rừng bới rễ cây tèng (thuộc họ dây leo, rễ dạng củ, có chứa độc tố), về đập dập, trộn với đất ướt, lấy bùn trát kín, ủ lại, rồi chất củi đốt xung quanh. Sau đó, họ mang thuốc ra suối, khe, tìm chỗ có nhiều cá nhất, chọn một chỗ cao ở đầu suối, khe, lấy đá xếp vòng tròn để tạo thành một cái cối. Rồi dùng chày gỗ vừa đâm chày, họ vừa hò hát theo nhịp để động viên nhau, quên mệt nhọc”. Để bắt được cá, người dân giã cho nước rễ cây tèng chảy ra, hòa vào dòng nước, làm cho cá bị mờ mắt, nổi lên mặt nước để họ có thể bắt dễ dàng. Ngoài loại rễ cây tèng, người ta cũng dùng rễ cây hôi hôi và lá cây cơn cơn mọc bên suối để làm thuốc đánh cá.

Có điều rất đặc biệt là các loại cây có độc tố này làm cho một số loài cá bị say, bị chết, nhưng lại vô hại đối với người và các loài thủy sản khác (như cá lóc, cá chạch, lươn, ốc…). Kể cả khi ăn cá cũng không hề bị ảnh hưởng gì. Khi cá bị bắt rồi thì độc tố của rễ cây cũng không còn ảnh hưởng gì dòng nước nữa. Ban đầu, hò thuốc cá có nội dung chính là công việc giã thuốc, dần dần người dân sáng tác nên thành những câu hát đối đáp nam nữ và được sử dụng nhiều trong các dịp liên hoan, lễ hội và những cuộc vui. “Trời mưa nước chảy quanh hồi (đầu nhà)/ Anh không lấy vợ ai đâm bồi anh ăn?” Hay như ca ngợi quê hương, làng bản: Ai lên Minh Hóa mình quê mình/Chè xanh mật ngọt đậm tình quê hương. Trong “Hò thuốc cá”, người ta quy ước rõ kiểu cách tham gia của từng thành viên. Bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con”. Khi hò, hò cái là người “lĩnh xướng” còn hò con là người “xố”. Mỗi câu hò thường chỉ có một người lĩnh xướng, còn người “xố” thì có thể một hoặc tất cả đám đông có mặt, người ta gọi là “hội xố”. Điều này thể hiện tính quần chúng của diễn xướng và thu hút đám đông rất mạnh mẽ, tạo nên hiệu ứng rộn ràng.

Cách hò nguyên sơ và đơn giản nhất trong “Hò thuốc cá” với kết cấu nhịp 6/8 là người hò cái hò hết câu 6, tất cả hò xố: “Hôi lên là hôi lên,” người hò cái tiếp tục hò hết câu 8, rồi tất cả hò xố: “Hôi lên là hôi lên” để kết thúc một câu hò. Trong quá trình hát câu 6, câu 8, người ta có thể thêm những tiếng đệm, hư từ, luyến láy, kết hợp với tuyến giai điệu mềm mại, lượn sóng, hình thành một bài hát trọn vẹn. Nhiều nghệ nhân ở Minh Hóa cho biết: “Đây cũng là làn điệu dân ca đặc trưng phản ánh tri thức dân gian, đời sống tinh thần của người Minh Hóa. “Hò thuốc cá” có nhịp điệu linh hoạt, theo nhịp chày giã thuốc, ngôn từ mộc mạc dễ nhớ, dễ thuộc. Điệu hò này thường được diễn xướng tập thể trong không khí rộn ràng, vui tươi. Chỉ cần có người xướng lên là mọi người cùng hòa nhịp…”.

Bảo tồn và lan tỏa giá trị

Nhằm bảo tồn và lan tỏa giá trị làn điệu “Hò thuốc cá”, trong những năm qua, các nghệ nhân ở Minh Hóa đã thành lập được bảy CLB đàn hát dân ca ở các xã Xuân Hóa, Yên Hóa, Trung Hóa, Hóa Hợp, Hồng Hóa, thị trấn Quy Đạt và ba CLB trẻ trong trường học với gần 400 trăm thành viên. Khi nhàn rỗi, họ lại cùng nhau tập luyện để được ngân nga các làn điệu dân ca của quê hương và để xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương và của tỉnh.

Bà Đinh Thị Loan, Chủ nhiệm CLB đàn hát dân ca huyện Minh Hóa cho hay, “nhiều năm qua, CLB luôn duy trì hình thức sinh hoạt 2 lần/tháng. Vào các dịp huyện, tỉnh tổ chức các liên hoan, hội diễn, CLB luôn huy động nhân lực từ các CLB xã, thị trấn, học sinh các trường học nhằm xây dựng những chương trình mang đậm bản sắc quê hương để tham gia và tạo ấn ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem”. Trong CLB có rất nhiều thành viên đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân cao tuổi, như bà Đinh Thị Phương Đống (82 tuổi), Đinh Thị Hạ (81 tuổi)… vẫn miệt mài truyền dạy dân ca cho thế hệ kế cận, tham gia soạn lời mới cho các làn điệu dân ca. Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Năm 2021, “Hò thuốc cá” đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài “Hò thuốc cá”, trên địa bàn huyện còn có hát đúm, ví, hát nhà trò, hát ru và hát sắc bùa... Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để thành lập thêm CLB đàn hát dân ca ở các địa phương, đặc biệt là trong trường học để học sinh có điều kiện tập luyện, sưu tầm, sáng tác”.

Làn điệu “Hò thuốc cá” là một nét văn hóa rất riêng của người Nguồn, phản ánh được tâm tư, khát vọng sống của đồng bào nơi đây một cách chân thực, sống động. Những giai điệu đơn sơ, mộc mạc cứ ngân vang, bay xa khắp núi rừng… Rời Minh Hóa với những bản làng yên bình nằm nghiêng nghiêng nép mình bên các sườn đồi, để về dưới xuôi, chúng tôi như nghe đâu đây tiếng “Hò thuốc cá” văng vẳng ngân vang tha thiết: Ra về nhớ lắm bạn hiền/Nhớ hò thuốc cá thắm duyên chúng mình.

Mai Thục Linh

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 14/8/2024

Cùng chuyên mục