Hoạt động của ngành

Liên kết để nâng tầm gốm sứ Việt

Cập nhật: 23/03/2023 10:45:39
Số lần đọc: 507
Ngày 22/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Gốm sứ gia dụng Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2023-2028) với sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, doanh nhân, đại diện các làng nghề và doanh nghiệp gốm sứ trên cả nước.

Gốm sứ gia dụng Việt Nam gồm nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo và có tiềm năng lớn.

Gốm sứ Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có lịch sử trải dài hàng nghìn năm và có mặt ở hầu như khắp các vùng miền. Hiện nay, gốm sứ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống như: đồ gia dụng, trang trí nội/ngoại thất, đồ lưu niệm, quà tặng, sản phẩm y tế... Nhiều thương hiệu gốm sứ Việt Nam đã có tiếng trong và ngoài nước, được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Các nghệ nhân và cơ sở sản xuất gốm sứ cũng không ngừng đổi mới hình thức và công nghệ để bắt kịp thời đại 4.0.

Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Gốm sứ gia dụng Việt Nam, Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho biết: “Ngày 29/11/2022, Bộ trưởng Nội vụ đã ban hành Quyết định số 931/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Gốm sứ gia dụng Việt Nam (có tên viết tắt theo tiếng Anh là VCCA) nhằm hỗ trợ, tôn vinh, phát triển ngành nghề gốm sứ Việt Nam với ba ưu tiên hàng đầu hiện nay: Một là, xây dựng Chiến lược phát triển ngành nghề gốm sứ Việt Nam; hai là, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đầu ra cho những sản phẩm gốm sứ - tinh hoa của bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới; ba là, tham mưu và cố vấn về mặt thể chế và hành lang pháp lý của Nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho ngành nghề gốm sứ phát triển sản xuất ổn định và bền vững”.

Các thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Gốm sứ gia dụng Việt Nam nhiệm kỳ 1 (2023-2028) ra mắt tại Đại hội.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao Quyết định thành lập Hiệp hội Gốm sứ gia dụng Việt Nam và khẳng định gốm sứ là sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Theo quy hoạch phát triển của ngành gốm sứ, thủy tinh công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhóm sản phẩm gốm sứ gia dụng được quy hoạch phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm nguồn lực chủ yếu để đầu tư và phát triển ngành.

VCCA ra đời sẽ tạo điều kiện để liên kết, kết nối mọi doanh nghiệp, tổ chức, hội nghề, nghệ nhân… sản xuất gốm sứ hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp cho xã hội; đẩy mạnh phát triển ngành nghề theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống, tinh hoa trao truyền nhiều đời. Các sản phẩm gốm sứ đa dạng, giàu tính thẩm mỹ và có nhiều cơ hội để xuất khẩu, có thể được coi là một đại sứ mang hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Một số thỏa thuận hợp tác được ký kết với mục đích chung là tôn vinh, phát triển gốm sứ Việt Nam.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ 1, trong đó ông Ngô Quang Xuân giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ gia dụng Việt Nam. 35 thành viên Ban Chấp hành gồm các đại diện cơ quan quản lý, các tổ chức bảo tồn di sản, giới mỹ thuật, các làng nghề và doanh nghiệp gốm sứ, nghệ nhân ưu tú… của nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bình Dương…

Cũng trong buổi làm việc, Hiệp hội Gốm sứ gia dụng Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với nhiều đơn vị liên quan để tăng cường đầu tư, kết nối, thực hiện các giải pháp nâng tầm gốm sứ Việt Nam, đưa sản phẩm đi khắp thế giới và tạo thêm nhiều giá trị.

Mỹ Hạnh

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 22/03/2023

Cùng chuyên mục