Màu hoa súng tím
Trái ngược với hoa sen mang vẻ đẹp thanh tao, hoa súng lại ẩn nét mang trong mình vẻ đẹp dân dã hệt như con người miền Tây. Hoa súng là loài hoa chỉ đợi chờ mưa xuống, lặng lẽ khoe sắc, mặc dù thân mềm, nhưng lại mang trong mình một sức sống dẻo dai.
Hoa súng bình dị đã hấp dẫn du khách khi đến với miệt sông nước miền Tây. Ảnh: Đăng Bảy
Nét đẹp bình dị
Mỗi năm, cứ tầm tháng 9, tháng 10 là mấy đồng nghiệp dưới miền Tây lại í ới rủ anh em nhiếp ảnh trên thành phố về miền bưng biền ngắm, chụp ảnh hoa súng. Đây là thời điểm loài hoa dân dã này nở đẹp nhất trong năm, mùa hoa súng “bung” theo con nước lũ.
Vốn là loài hoa của sông nước, dễ trồng, nhanh sống và phát triển tốt nên khi lũ về, nước ngập băng đồng thì miệt sông nước miền Tây như được phủ bởi tấm thảm nhiều màu sắc hồng, tím và trắng của hoa súng. Ở các vùng đầm lầy như rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên - An Giang; rừng tràm Tân Lập - Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ, Mỹ Tho..., khi con nước tràn đồng cũng là lúc xuất hiện các lá súng ma nhỏ xíu, li ti. Chỉ vài ngày sau, chúng phát triển to dần và có hoa lấm chấm. Theo người dân địa phương, sở dĩ gọi là súng ma bởi chúng hay nở ban đêm, đến tầm 9-10 giờ là bông súng đã cụp lại rồi ẩn mình dưới nước. Do vậy, muốn đi xem, chụp hình hay hái hoa súng, phải tranh thủ đi từ sáng sớm, khi mặt trời mới bừng tỉnh sau một đêm ngủ muộn.
Theo con nước mùa lũ, hoa súng cứ thế lặng lẽ khoe sắc. Nước dâng cao tới đâu, hoa súng cao theo tới đó. Lũ càng nhiều, nước càng cao thì hoa súng càng dài cọng, mềm mại và tươi non. Vào mùa mưa - mùa nước lũ, hoa súng nở đầy trên những cánh đồng, con kênh, con rạch, ven sông, đồng trũng, ao, đìa. Giữa nền trời xanh thẳm, giữa bốn bề nước nổi bao la, hình ảnh hoa súng hiện lên càng điểm tô thêm cho vẻ đẹp ngọt ngào của miền sông nước. Không đẹp cao sang, đài các nhưng vẻ đẹp bình dị của hoa súng lại là biểu tượng của người miền Tây.
Đều là biểu tượng của miền sông nước Tây Nam Bộ, đều sống trong đầm hồ, sông suối, có hình dáng tương đối giống nhau nên hoa sen và hoa súng có sự liên hệ với nhau. Theo đó, trong chữ Hán, hoa súng được gọi là “thụy liên”, tức là hoa sen ngủ. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì hoa súng đến tối thì cụp lại như đi ngủ trên mặt nước yên tĩnh, từ hoàng hôn cho đến bình minh. Không thơm như sen, không to như sen, cũng không rực rỡ như sen, hoa súng khiêm nhường mang nét đẹp bình dị, mộc mạc của làng quê.
Muốn ăn bông súng cá kho...
Thực ra hoa súng không chỉ mọc ở miền Tây mà có mặt ở rất nhiều vùng trong cả nước. Ở ngoài Bắc, vào cuối Thu, lúc mới chớm heo may, khi thấy sương giăng lãng đãng, ấy là lúc hoa súng đua nhau nở. Sắc hồng vừa giản dị, vừa kiêu sa cũng đủ làm sáng bừng lên một cánh đồng, một con suối.
Dọc theo Suối Yến dẫn vào danh thắng Chùa Hương, mỗi độ thu vàng, heo may gió lộng chớm đông, hoa súng lại nở hồng, kín cả dòng suối. Nếu hữu duyên, có dịp đi qua những nơi đó, đúng lúc hoa súng “bung lụa”, nhiều người sẽ cảm thấy xao xuyến, bâng khuâng nhớ về tuổi thơ, nhớ về những làng quê đã nuôi mình khôn lớn. Đọc thơ của Lưu Quang Vũ, ta lại liên tưởng tới khung cảnh đặc trưng của miền Bắc: “Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở/ Da diết lòng hương dịu tự vườn cau...”.
Nhiều người dân tăng thêm thu nhập nhờ hoa súng bưng biền. Ảnh: Đăng Bảy
Nhắc đến hoa súng, người ta nghĩ ngay đến văn hóa ẩm thực miền Tây sông nước, nghĩ ngay đến những bữa ăn đạm bạc, đến những tháng ngày vất vả ở bưng biền: “Cảm ơn bông súng, củ co/ Nợ nần trả hết, anh lo cưới nàng”. Vào mùa nước nổi, người dân miền sông nước vùng Tây Nam Bộ lại tất bật với cuộc mưu sinh khi bao nhiêu sản vật theo con nước tràn về. Ngoài việc đánh bắt các loại thủy sản thì nhiều năm gần đây, nhiều người dân còn tăng thêm thu nhập nhờ hái hoa súng bưng biền.
Điều mang lại giá trị cho hoa súng chính là cuống (hay là cọng), dùng để làm món ăn cực kỳ phổ biến ở miền Tây. Chúng dùng để ăn sống, làm món ghém (gỏi), nấu canh, chấm mắm kho. Cứ bẻ cọng súng thành khúc nhỏ vừa tay, vừa miệng ăn, ăn tới đâu gắp chấm với món mặn tới đó. Nếu không, cứ bóp nhẹ, trộn cùng dấm, đường; hoặc cho vào nồi canh chua, chung với cá, rau muống, khóm...
Cọng bông súng lột bỏ vỏ, ngắt khúc để nấu canh chua với bông điên điển, cá linh là món ăn của người dân miền Tây trong mùa nước nổi, như câu ca dao: Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm. Hoa súng rửa sạch, tước lớp vỏ ngoài mỏng, ngắt hoa, giữ lại cọng, chỉ cần vài con cá linh, rô đồng, thịt heo ba rọi cùng vài ba quả cà tím là có ngay một nồi lẩu thơm ngon, đúng điệu miền Tây.
Khi nhổ hoa súng, người ta chỉ nhổ những cọng có bông trên đầu, nó ngon hơn những cọng lá. Hoa súng đem về được quấn thành từng khoanh tròn, mỗi khoanh khoảng 1-2 cọng, giá vài nghìn đồng/khoanh. Chị Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1989, ngụ tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) sống qua mùa nước nổi bằng nghề hái hoa súng. Bàn tay thoăn thoắt theo nhịp xuồng bơi, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, chị đã hái đầy xuồng, chở ra chợ bán. Loại thực vật dân dã mọc hoang này mang lại thu nhập gần 200.000 đồng/ngày cho người lao động nhàn rỗi như chị.
Ông Phạm Văn Đùn (ngụ tại xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) lại tận dụng 1.000m2 mặt nước để trồng hoa súng. Giống cây, ông mua từ Campuchia về, trồng khoảng 1 tháng bắt đầu cho thu hoạch. Bình thường, hoa mọc dại dễ dàng, nhưng nếu có bàn tay con người chăm sóc thì đỏng đảnh hơn hẳn. Ông phải dùng lưới vây quanh, ngăn ốc bươu, cá quấy phá. Ngoài ra, phải canh mực nước để hoa súng phát triển, không bị nước nhấn chìm. Đến khi thu hoạch, giá tầm 50.000 đến 80.000 đồng/50 hoa, tương ứng với 200.000 đến 300.000 đồng/ngày.
Hoa súng mọc dại mùa lũ giờ vắng dần, nhưng nông dân miền Tây đã tìm mọi cách để chúng có mặt quanh năm ở chợ, trên mâm cơm hằng ngày. Nếu có dịp, hãy về miền Tây để ngắm hoa súng, để hiểu và yêu hơn về miền đất dung dị, ngọt ngào, riêng có như hoa súng.
“Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc
Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau
Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu”.
(“Màu hoa súng tím” - Chế Lan Viên)
Đăng Bảy
Nguồn: Báo Biên Phòng