Lai Châu: Mê say vòng xòe ngày xuân của đồng bào Thái
Sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái xứ Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thường gắn với tín ngưỡng đa thần. Trong các lễ hội, người Thái luôn cầu khấn các vị thần linh, tổ tiên trợ giúp cho cuộc sống con người khoẻ mạnh, sung túc; gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở; mùa màng tươi tốt bội thu.
Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến Xuân về, không phân biệt già trẻ, gái trai, mọi người lại cùng nắm tay nhau múa xòe quanh đống lửa. Điệu xòe đã hình thành, phát triển và hoàn thiện, mô phỏng lại những bước đi của cha ông một thời đi khai phá đất đai, làm nương, trồng lúa, lấy nước.
Xòe quạt là điệu múa phổ biến hay được trình diễn trong các lễ hội, mùa xuân ở các bản làng xứ Thái Mường So.
Chị Lò Thị Hồng, ở bản Hổi Én, xã Mường So cho biết, người Mường So không ai rõ điệu xòe có từ bao giờ. Họ chỉ biết từ khi sinh ra đã thấy người lớn múa xòe và các điệu xòe đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân, trở thành nét văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng bản làng trong nhiều thế hệ: "Thế hệ trẻ bây giờ múa khác hơn, nhưng mà vẫn lẫn một vài điệu múa cổ của các cụ ngày xưa. Cứ ngày tết là những chàng trai, cô gái sẽ hội tụ nhau để vui xòe. Và ai cũng mong muốn đến một năm mới để mọi người cùng nhau ôn lại những điệu xòe và những làn điệu hát Thái của dân tộc mình".
Vùng đất Mường So xưa (gồm các xã Bản Lang, Khổng Lào và Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) được biết đến là nơi phát tích các làn điệu xòe Thái cổ. Cụ Tao Thị Phè ở bản Hổi Én, xã Mường So - người trong đội múa xòe chuyên biểu diễn phục vụ quan khách của vua Thái Đèo Văn Ơn trước đây cho biết: Khoảng năm 1946, khi Đèo Văn Ơn lên làm tỉnh trưởng Phòng Tô quản lý 6 châu là: Mường Khương, Cốc Lếu, Mường Chăn, Mường Than, Mường Lự và Mường So thì khi đó đội xòe nghiệp dư châu Mường So có khoảng 20 người ở độ tuổi từ 12 đến 15. Đây là những người đã được tuyển chọn kỹ từ các bản làng. Mỗi khi tỉnh trưởng có khách cấp trên về, hoặc vào dịp lễ tết là đội xòe được triệu tập đi múa phục vụ.
Cụ Tao Thị Phè cho biết: "Ngày xưa mỗi khi các quan có khách thì con cháu ở trong đội múa mới đi. Múa ở tận Lào Cai, Sa Pa, Bát Xát, Mường Hum và đến tận Hà Nội. Hoặc mỗi khi người ta tổ chức đám cưới hoặc có sự kiện gì vui là họ mời".
Theo ông Nông Văn Nảo, nghệ nhân xứ Mường So, xòe Thái được biết đến với 36 điệu xòe cổ và là nét đặc trưng của nghệ thuật dân vũ Thái. Cứ mỗi độ xuân sang, phụ nữ Thái ở đây lại sắm cho mình những bộ váy áo cóm mới để say với những điệu xòe. Nổi bật nhất là các điệu xòe du xuân như: xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe nhạc, xòe vòng…
"Ngày xưa múa xòe lúc đầu cũng rất đơn giản thôi, không theo một quy trình nào cả, dần dần nâng cao chất lượng múa lên. Riêng điệu xòe phổ biến và cũng rất phổ thông, nghĩa là ai cũng biết xòe, sau đó sẽ lôi cuốn được nhiều người tham gia".
Xòe là di sản văn hoá quý giá, đã được phổ cập, truyền thụ và có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa của đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Tại châu Mường So xưa, nay là các xã Khổng Lào, Bản Lang và Mường So (huyện Phong Thổ), trung bình mỗi bản đều có từ 2 đến 3 đội múa xòe. Nhiều địa phương cũng đã đưa múa xòe vào trường học để truyền dạy, giúp thế hệ trẻ tiếp cận và lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình.
Ở xứ Thái Mường So hiện nay vẫn còn lưu giữ 36 làn điệu xòe cổ và được người Thái lưu giữ như hồn cốt dân tộc mình.
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Đồng bào Thái Tây Bắc, trong đó có bà con người Thái trắng ở Phong Thổ rất vui mừng và tự hào khi xòe Thái được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là cơ hội để địa phương quan tâm sâu hơn nữa đến việc đầu tư, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Về phía huyện cũng đã có đề án phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trọng tâm là khai thác các làn điệu dân ca và xòe Thái.
"Điều xòe là hồn cốt của đồng bào Thái trên địa bàn huyện Phong Thổ và vùng Tây Bắc. Chúng tôi đã có đề án phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc trên địa bàn, trong đó trọng tâm vào xòe Thái của đồng bào. Chúng tôi sẽ làm một số hoạt động để khôi phục lại các lễ hội, cũng như là triển khai các sự kiện văn hóa, gắn với hoạt động của nhân dân ở các thôn, bản, trong đó trọng tâm vào các điệu xòe để duy trì và nâng cái tầm của các điệu xòe lên".
Những ngày đón xuân sang, tiếng hát thiết tha hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng và tiếng đàn tính tẩu lại ngân vàng khắp các bản làng người Thái xứ Mường So ở Phong Thổ, Lai Châu. Hơi thở của mùa xuân, của đất trời như thúc giục mọi người tay trong tay siết chặt trong vòng xòe; để rồi, lòng người chếnh choáng trong men say tình người vùng cao khi đất trời vào xuân./.
Khắc Kiên