Hành trang lữ khách

Mỏ Cày Nam - Nét đẹp du lịch từ quê hương Đồng Khởi

Cập nhật: 21/05/2020 09:33:56
Số lần đọc: 1477
Mỏ Cày Nam từ lâu được mệnh danh là quê hương Đồng Khởi, nơi mang dấu ấn chiến tích lịch sử hào hùng của người dân Mỏ Cày. Mỏ Cày Nam còn là nơi sản xuất các sản phẩm đặc trưng từ dừa, đặc trưng nhất là Chợ Nổi Dừa và làng nghề khai thác dừa dọc sông Thom. Những yếu tố này đã mang đến cho Mỏ Cày Nam những nét riêng, tạo sự lý thú khi du khách đặt chân đến nơi đây.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Huyện Mỏ Cày Nam là trung tâm điểm của Cụm du lịch Cù lao Minh, liền kề với các huyện như Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách. Bốn địa phương này đã hợp tác phát triển du lịch Cù lao Minh với chủ đề “Du lịch từ sông ra biển”, đưa các sản phẩm đặc trưng của vùng vào phục vụ hoạt động du lịch.

Ngoài đường bộ, du lịch huyện Mỏ Cày Nam còn có thể đi tàu từ thành phố Bến Tre, ra sông Hàm Luông qua Vàm Nước Trong đến sông Thom, nơi đây nổi tiếng với các cơ sở chế biến và sản xuất dừa dọc hai bên sông. Du lịch tại đây luôn chân thực, mang đến những trải nghiệm đầy thú vị với những rặng dừa xanh mát, tấm lòng chất phác, hiếu khách của bà con miền sông nước xứ Dừa.

Sau khi triển khai Kế hoạch số 78-KH/HU ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Huyện ủy về thực hiện chương trình hành động số 22-CTr/TU và Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, toàn huyện đã hình thành 11 điểm tham quan du lịch thu hút một lượng khách du lịch trong và ngoài huyện đến tham quan.

Các di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi, di tích cấp quốc gia Chùa Tuyên Linh cùng với các sản phẩm du lịch khác như: Chợ Nổi Dừa sông Thom, khu du lịch sinh thái Cồn Thành Long, cơ sở sản xuất kẹo dừa Tuyết Phụng, làng nghề sản xuất, sơ chế chỉ xơ dừa, làng nghề đóng ghe tàu xã An Định, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa, hợp tác xã mây tre lá Ân Đạt,…

Với lợi thế có điều kiện thiên nhiên, du lịch của huyện phát triển theo hướng bền vững gắn với cộng đồng, cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng được nâng cao, tuyến đường Quốc lộ 60 được nâng cấp xây dựng và đi vào hoạt động, cầu Hòa Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc) và cầu Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam) đã được xây mới khang trang, mở rộng, thuận lợi cho các tuyến đường từ Bến Tre đi liên tỉnh hoặc tuyến nội tỉnh thành phố Bến Tre đi các huyện Chợ Lách, Thạnh Phú. Các cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng được đầu tư trang thiết bị vật chất kỹ thuật, chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao.

Liên kết để phát triển

Mỏ Cày Nam sở hữu những tài nguyên du lịch khá đặc thù và khác biệt, tuy nhiên, để phát triển du lịch hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền, người dân và doanh nghiệp du lịch.

Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh đầu tư đến những giá trị về truyền thống, tái hiện “Làng du kích” mang đậm tính hào hùng của “Đội quân tóc dài” trong cuộc Đồng Khởi năm xưa, qua đó làm bật lên giá trị truyền thống cách mạng ở địa phương, khai thác tốt hơn giá trị của di tích Đồng Khởi.

Những năm gần đây du lịch làm đẹp và du lịch nghỉ dưỡng đang là thị hiếu của nhiều du khách quốc tế. Vì vậy cần đẩy mạnh tập trung phát huy các chuỗi giá trị của cây dừa, kết hợp các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe. Từ đó, phát triển loại hình du lịch làm đẹp và nghỉ dưỡng, mang tính cộng đồng để có nhiều sản phẩm du lịch mới không trùng lắp với huyện khác trong tỉnh hoặc với các tỉnh trong vùng.

Bên cạnh, nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch của cộng đồng dân cư. Kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khai thác du lịch mang tính bền vững, các khu vui chơi, mua sắm, giải trí,… kéo dài thời gian lưu trú và khắc phục tính thời vụ du lịch để trở thành tâm điểm của du lịch Cụm Cù lao Minh./.

Nguồn: Bentre.gov.vn

Cùng chuyên mục