Hành trang lữ khách

Mộc mạc chợ làng biển Quảng Nam

Cập nhật: 09/05/2024 15:38:02
Số lần đọc: 772
Chợ hải sản náo nhiệt trên cát. Lối sống, tập quán, lao động của cộng đồng cư dân ven biển như thể bày ra từ đây.


Sinh động chợ hải sản bãi ngang ven biển Tam Tiến. Ảnh: Q.Việt

Những con sóng bạc đầu đuổi theo chân người họp chợ. Xa xa phía biển, những chiếc thuyền thúng lần lượt vào bờ mang theo đủ loại cá, mực, tôm, ghẹ. Chợ họp ngay bãi cát mấp mé nước biển.

Cứ mỗi lúc thuyền cập bờ là có một nhóm người tụ lại. Ngư dân trên thuyền chuyền những giỏ hải sản từ tàu. Và những đôi tay bắt lấy, nhanh nhẹn đưa vào bờ. Chợ đông vui, rôm rả tiếng bán mua.

Những giỏ hải sản các loại, tươi rói từ đây được đưa đi khắp các chợ trên địa bàn Núi Thành, Tam Kỳ.

Bến cá Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình) họp rất sớm, ngay chân biển của làng. Việc mua bán ở buổi chợ diễn ra chóng vánh, tan trước khi những vệt nắng đầu ngày vừa lên.

Ông Trần Văn Tám sinh ra từ vùng ven biển Tân An. Người đàn ông vừa làm nghề đánh bắt vừa là tổng lái của đội hát múa bả trạo cầu ngư của huyện Thăng Bình. Ông Tám nói, nguyên thủy nghề cá ở Tân An là ngư dân bắt đầu bằng các nghề lưới ven bờ và tuyến lộng, hải sản được đánh bắt trong một đêm và bán ngay ở bãi khi tàu cập bờ.

Ban đầu, chợ hải sản trên cát vùng bãi ngang chỉ là trao đổi của nhóm người, dần dà nghề cá lớn mạnh. Cộng với quần cư cộng đồng nên chợ là trung tâm trong sinh hoạt, đời sống của cư dân vùng biển.

Vùng bãi ngang huyện Thăng Bình lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa biển. Ảnh: Q.Việt

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thăng Bình cho rằng, hoạt động từ năm này qua năm khác của chợ hải sản ở bãi biển vùng bãi ngang là sự chọn lọc của lịch sử.

Ở vùng bãi ngang, suốt 2 mùa gió chướng và gió nồm, để duy trì nghề nghiệp, ngư dân bắt buộc phải biết nơi nào nhiều luồng cá hoạt động, biết luồng lạch nơi nào có thể cập tàu thuyền đưa hải sản vào bờ và nơi nào có thể neo đậu tàu cá an toàn.

Các buổi chợ hải sản sớm mai ở vùng bãi ngang ven biển chính là nơi tụ lại để người đi đánh bắt hải sản trở về và người ở đất liền ra đón cá, mực. Nó là điểm tựa của đời sống nghề biển, khai thác sản vật từ biển rồi bán hải sản để có điều kiện sinh hoạt duy trì cuộc sống. Đó chính là sợi dây gắn kết, nối liền sự sống từ biển đến đất liền.

Ông Trương Công Hùng băn khoăn, trong bối cảnh làn sóng đô thị ngày càng rầm rộ, các chợ hải sản vùng bãi ngang ven biển có còn được duy trì không hay bị thay thế bằng các khu nghỉ dưỡng, resort?

Lo xa của ông Hùng có lý bởi nhiều vùng bãi ngang ven biển trước đây cũng có các chợ hải sản xôm tụ từ tờ mờ sớm nhưng nay không còn hoặc thưa vắng.

“Trong định hướng quy hoạch đô thị và phát triển không gian biển, cần gìn giữ các chợ hải sản ở những làng chài và giữ gìn hồn cốt văn hóa của cộng đồng cư dân làng biển qua các phiên chợ đó. Một khi cư dân ven biển còn gắn bó sâu nặng với nghề đánh bắt hải sản thì có thể bảo lưu các chợ này với hồn cốt văn hóa làng” - ông Hùng bày tỏ mong ước.

Việt Nguyễn

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 8/5/2024

Cùng chuyên mục