Non nước Việt Nam

Món dưa hành ngày xuân

Cập nhật: 14/01/2022 09:37:37
Số lần đọc: 939
Năm nào cũng vậy, cứ độ 25 tháng Chạp, cúng đưa ông bà và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ xong, má lại ngồi lột vỏ củ hành để làm món dưa hành cho những ngày xuân thêm ấm áp.


Bên cạnh món bánh chưng, bánh tét (miền Nam) truyền thống thì dưa hành, dưa kiệu cũng thịnh hành như một loại đồ ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt khắp cả nước. Món dưa hành của má đối với các thành viên trong gia đình tôi là món ăn yêu thích nhất bên cạnh củ kiệu, dưa cải… Ấy thế nên, năm nào má cũng làm.

Những năm gần đây, chúng ta rất dễ tìm thấy trên thị trường nhiều loại thực phẩm cho ngày Tết vừa ngon, vừa đẹp mắt, nhưng má thì vẫn thích tự tay làm cho cả nhà ăn. Thấy má làm cực, anh em tụi tôi hay trêu: “Má làm chi cho mắc công mà mệt nữa, chạy te ra chợ cái, mua về cả đống rồi”. Má cười: “Tao làm ăn cho chắc, vừa sạch sẽ, vừa ngon, đi ra chợ mua, nhìn thì đẹp mắt vậy, chứ biết người ta làm như thế nào”.

Những ngày Tết, ăn cơm với thịt kho trứng kèm thêm món dưa má làm thì ngon phải biết. Nhưng tôi lại ghét nhất cái khâu ngồi lột vỏ củ hành. Không biết sao, má cũng ngồi lột như tôi mà không sao, còn tôi thì nước mắt, nước mũi chảy tèm nhem, làm như bị ai đánh cả chục roi. Tôi hỏi thì má đùa: “Tao có bí quyết!”.

Trong thời buổi hiện tại, nói về công thức làm món ăn, chỉ cần 5 phút tìm trên mạng, bạn có thể tra ra hàng trăm cách chỉ dẫn, nhưng thấy thì dễ, chứ khi bắt tay vào làm mới thấy được cái khó của nó. Tuỳ vào bí quyết riêng về cách muối dưa của mỗi người mà món dưa sẽ mang mùi vị khác nhau. Món dưa hành của má đặc biệt ở chỗ luôn giữ được màu tím bắt mắt vốn có của nó, khi ăn sẽ không còn vị cay nồng, mà mang mùi thơm của hành, vị chua chua ngọt ngọt, thanh thanh của tắc và đường hoà quyện, đặc biệt hơn nữa là độ giòn rất ngon.

Nguyên liệu dùng để muối dưa hành của mọi người thường khác nhau tuỳ vào khẩu vị, má muối củ hành bằng nước tắc thêm ít đường và muối. Má nói, nước tắc có vị chua thanh và lên màu củ hành rất đẹp. Theo kinh nghiệm của má, cứ 1 kg củ hành tím thì sử dụng 1 kg tắc, khoảng hơn 500g đường (nếu ai thích nhiều vị ngọt thì cho nhiều hơn). Cách làm dưa hành thì cũng không quá cầu kỳ: hành củ chọn loại đều, chắc, lột bỏ lớp vỏ già bên ngoài, rửa sạch sẽ rồi mang đi phơi cho ráo nước, sau đó trộn đều với nước tắc đã được lượt bỏ hạt, thêm đường và một ít muối hột vào, trộn đều lên, cho tất cả vào keo. Mang ra phơi tầm 1 nắng, rồi cất vào tủ lạnh thì sẽ lên màu rất đẹp mắt.

Mỗi khi có dịp, má thường làm rất nhiều, rồi cho vào tủ lạnh dùng dần. Nhờ có món dưa hành của má mà các bữa ăn trong ngày Tết cũng đỡ ngán và phong phú hơn. Hành tím còn có tác dụng nhuận trường, lưu thông khí huyết, tốt cho lá lách, trừ cảm lạnh, dễ tiêu hoá, giải độc… Vì thế, món dưa hành không chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, mà còn trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày trong thực đơn gia đình tôi./.

Khánh Huỳnh

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT