Món gỏi đặc sản chỉ xuất hiện dịp trở trời ở biển Vân Đồn (Quảng Ninh)
Nhiều người vẫn cho rằng, món ngon khó quên không nhất thiết phải là đặc sản hay cao lương mỹ vị trong nhà hàng sang trọng.
Đôi khi, đó chỉ là những món ăn dân dã, được chế biến theo cách đơn giản, đậm chất "biển" mà vẫn giữ nguyên được hương vị. Một trong những món được thực khách nhớ lâu chính là gỏi tép mà dân vùng đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) gọi là lộc biển.
Chuyện đi biển săn "lộc trời", đặc sản tuyệt ngon
Còn nhớ, lần đầu tôi được thưởng thức món gỏi tép đặc biệt này là trong chuyến công tác tại xã đảo Quan Lạn vào trung tuần tháng 8. Kết thúc chuyến công tác 2 ngày, sáng hôm đó, chúng tôi lục tục chuẩn bị đồ lên đường về thì được tin bão về, gió to nên cấm tàu. Thế là chúng tôi bị "kẹt" lại đảo.
Để giết thời gian, anh bạn người địa phương đóng vai hướng dẫn viên bất đắc dĩ dẫn chúng tôi xuống Khu du lịch sinh thái tham quan bãi biển Sơn Hào. Đang dạo trên bờ, chúng tôi bỗng thấy vài người hô lớn, chạy rào rào ra bãi biển: Mú xuất hiện kìa, rất nhiều bà con ơi!
Ngạc nhiên, chúng tôi cũng chạy theo ra biển, nhìn về phía xa, người dân quây lại là một mảng lớn, màu đỏ au trên biển, thi nhau xúc. Anh bạn hướng dẫn viên người bản địa giải thích: Đó là tép biển đấy.
Giống này thường đi theo đàn lớn mà người dân Quan Lạn hay gọi là "mú". "Mú" thường xuất hiện sáng sớm, chiều và đặc biệt trước những ngày "trở trời", trước ngày mưa bão lớn là khi biển thường ít gió, lặng sóng, tép tụ lại thành đàn, bơi vào bờ, người dân chỉ việc ra vớt.
"Mú" tép có khi to bằng cái mẹt, thậm chí cái chiếu hoặc cả gian nhà, khi thu về được vài cân, có "mú" lớn được vài chục cân thậm chí là cả tạ tép.
Khác với Quan Lạn, người dân đảo Ngọc Vừng gọi đặc sản trời ban này là "moi", là "lộc biển" trời ban. Theo những người già trên đảo thì có lẽ là do mùa vụ, môi trường nước, mà moi Ngọc Vừng thơm ngon, dày mình hơn hẳn các vùng khác.
Từ lâu, cứ tới mùa là moi xuất hiện, một cách hoàn toàn tự nhiên, không theo một quy luật nào. Lúc nổi theo con sóng biển ven bờ, lúc lại nằm dày đặc ngay bờ biển, vì thế chẳng ai can thiệp gì được.
Khác với vớt moi, ngư dân Ngọc Vừng dùng thuyền công suất cao, thả gọng vó dài với tấm lưới rộng để vớt moi. Mỗi chuyến đi biển phải từ sớm. Người chỉ huy cuộc săn moi, đứng trên một chiếc thang 3 chạc lớn, cao như… đài quan sát trước mũi tàu.
Người được lựa chọn đứng trên thang phải khoẻ, đặc biệt có đôi mắt tinh, bao quát, chịu được nắng gắt cả buổi săn. Hễ thấy đàn moi từ xa thì sẽ phất cờ lệnh cho tàu chạy đón đầu đàn moi.
Vào chính vụ moi từ đầu hè tới tận tháng 9-10 Dương lịch. Sản lượng có thể lên tới 200-250 tấn/mùa, thu hoạch có thế trên 150 triệu/vụ.
Đặc sản tươi rói từ biển
Ngày trước, giá moi "rẻ như bèo" nên các ngư dân thường không đánh bắt. Nay moi quý vô cùng, bởi có thể bán khô, làm mắm xuất khẩu và rất được ưa thích. Đặc biệt có thể làm được nhiều món ăn ngon khó quên đãi khách.
Theo ngư dân giàu kinh nghiệm thì mùa tép thường kéo dài từ tháng 6-9 hàng năm, có năm kéo dài tới tháng 10. Tuy nhiên, tép nhiều, béo và ngon nhất là vào tháng 8. Bởi vùng biển Quan Lạn, Ngọc Vừng cách xa bờ, biển sạch, nước trong veo nên tép sạch, con nào con ấy béo tròn, trong vắt và rất ngọt thịt.
Vào mùa, đôi khi tép theo đàn vào sát bãi biển, chỉ cách mép nước vài bước chân, đi dạo trên biển cũng gặp, chỉ việc ra xúc mang về.
"Tép biển tươi đúng mùa ăn gỏi là ngon nhất" - anh bạn hướng dẫn viên bản địa ngỏ ý mời chúng tôi thưởng thức gỏi tép. Quả thật, chúng tôi may mắn khi gặp đúng ngày đánh được mẻ tép to. Từng rổ tép được vớt lên, tép vẫn còn tươi sống, trong vắt. Thú vị là chúng tôi có duyên thưởng thức món ăn được chế biến theo đúng phong cách ngư dân.
Thì ra, gỏi tép chế biến không quá khó. Tép vừa được vớt về chọn phần ngon, tươi nhất, đãi sạch làm gỏi. Gỏi tép thường được chế biến theo hai cách, tùy khẩu vị của thực khách.
Với người "bạo ăn", tép đãi sạch để sống trên đĩa, còn nhảy tanh tách, được gói bánh đa nem, vắt chanh, ăn với xì dầu mùa tạt hoặc mắm chát, kèm rau thơm lạc rang giã nhỏ. Gỏi tép kiểu này là món ăn được chế biến "mộc" nhất, theo đúng phong cách dân chài xứ đảo.
Cách khác, dễ ăn hơn với nhiều người. Đó là tép tươi được nhúng nhanh vào bát nước sôi để sẵn trên bàn rồi mới cuốn gỏi, chấm cùng mắm chắt hoặc xì dầu, mù tạt và các loại rau, gia vị khác. Quả thật gỏi tép ngon tuyệt vời, vị ngọt của tép tươi cùng vị thơm bùi của lạc, chua chát của các loại rau gia vị hòa một. Vị ngọt lịm lẫn vị mặn mòi của biển với vị cay lên tận đỉnh đầu của mù tạt khiến món ăn để lại cho chúng tôi ấn tượng vô cùng khó quên.
Nếu có dịp đi Quan Lạn, Ngọc Vừng, một sớm mai thức dậy, đi dạo trên bãi biển, rất có thể bạn sẽ được thấy ngư dân đánh tép tươi, được nhiệt tình mời thưởng thức món gỏi tép đặc biệt..., thơm vị biển Vân Đồn.
Nhật Vũ