Thương nhớ bát chè khoai
Món chè khoai môn sọ. Ảnh: N.Trang
Tôi nhớ những ngày bé quấn quýt bên nội, theo chân bà từ vườn nhà ra đến ngõ chợ, bất cứ loài cây gì nội trồng, tôi đều học hỏi rất sâu, rất kỹ. Như cây khoai môn sọ, hễ cứ độ vào mùa mưa, sau mỗi ngày tan chợ thì bà lại thu mua cả thúng môn sọ mang về nhân giống, trồng sau vườn nhà.
Nội khéo vun xới đất, trồng củ xuống dưới rồi trải rơm mục lên trên giữ độ ẩm, cây nhanh xanh tốt. Có lẽ vì thế mà đến những ngày đầu hạ, sau nhà có cả vườn khoai môn sọ tốt tươi.
Thi thoảng, chiều dông đột ngột đến, lá khoai che chắn cho mấy chú gà con, tôi và út Sang rủ nhau hái lá tinh nghịch. Để rồi chờ đợi bàn tay nội đào củ vào rửa sạch nấu chè, đứa nào đứa nấy ăn lấy ăn để.
Khoai vừa đào xong, nội liền múc gàu nước giếng ngâm cho rã đất, chà rửa cho thật sạch. Bà khom lưng nhóm bếp, nấu cho khoai môn sọ chín thật nhừ, thật dẻo rồi bóc vỏ, cắt củ khoai làm tám, chín miếng nhỏ đều. Lần nữa, nội lại cho phần khoai đã chín ấy vào hầm với bát nếp thơm dẻo đổ nước xâm xấp, lửa liu riu làm nồi chè đặc quánh.
Lúc này, nội nhắc nồi xuống kê sát “ông kiềng” để nồi chè thêm nhừ, nếp nở thêm ra. Cặp đường bát được bào, đánh tơi, hòa quyện với chén gừng tươi giã nhuyễn, nội nấu nước đường dẻo thơm, ngọt sánh. Nước đường và khoai, nếp trộn lẫn vào, thêm vài phút đun lửa, thế là nội có nồi chè khoai tuyệt hảo.
Món chè của nội thường được nấu vào những dịp rằm hay mùng Một âm lịch. Nội bảo nhỏ với tôi: “Trước mình cúng ông bà, sau con cháu hưởng…”. Nghe đến đó, lòng tôi nao nao, từng sợi khói nhang nội thắp trước bàn thờ như quyện lấy tấm lòng của hai bà cháu, út Sang còn nhỏ dại, chỉ mong ngóng bà cúng nhanh để được ăn.
Với tôi, mấy đêm rằm mùa hạ ấy rất đẹp, rất đáng nhớ trong cuộc đời. Chè khoai môn của nội ăn chẳng bao giờ ngán, ăn đến khi nào no cành bụng mới thôi. Chè này chẳng cần dùng muỗng, chỉ cần lấy miếng bánh tráng xúc chè rồi cho ngay vào miệng, mọi hương vị như đường ngọt, gừng thơm, khoai sọ bùi béo, nếp dẻo tan chảy nơi đầu lưỡi.
Nội là người thảo ăn, hễ nấu nồi chè thì nấu cho bằng được nồi to, thêm ấm nước chè xanh bày ra trước hiên. Ngoài các con cháu, hễ thấy hàng xóm đi bộ ngang qua hàng chè tàu trước ngõ, nội liền vẫy tay mời vào chơi, mời ăn chè.
Tự bao giờ, tôi hiểu ra tình làng nghĩa xóm được gắn kết từ những điều dân dã, giản đơn như thế. Và cho mãi tận sau này, khi nội ngơi chân dưới lòng đất và vạt cỏ xanh rì, hễ được ai đó cho túi khoai môn sọ, trong tôi liền thức dậy niềm thương nỗi nhớ bát chè năm nao…
Như Trang