Mùa cốm dẹp ở Phước Quới, Sóc Trăng
Đa số du khách đến Sóc Trăng thường mua cốm dẹp về làm quà. Đặc biệt là khi hương lúa nếp mới phảng phất tỏa khắp các phum sóc, cũng là lúc bà con người Khmer chuẩn bị quết cốm dẹp làm lễ vật cúng trăng, đón Lễ hội Ok-Om-Bok diễn ra vào khoảng Rằm tháng 10 hằng năm. Làng nghề cốm dẹp ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương ở ĐBSCL còn lưu giữ nghề truyền thống này.
Những ngày này, Phước Quới rộn rã từ tờ mờ sáng. Quyện với tiếng chày đều đặn, tiếng tí tách lúa nếp rang trên bếp là hương thơm của những mẻ cốm dẹp mới quết. Phước Quới duy trì nghề quết cốm dẹp với khoảng 40 hộ, vừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương vừa giữ gìn nghề truyền thống. Chị Lâm Thị Phuôl, thế hệ thứ tư của một gia đình gắn bó với nghề quết cốm dẹp tại ấp Phước Quới, hiện là chủ cơ sơ sản xuất cốm dẹp với 6 lò rang lúa nếp, 6 cối quết. Chị Phuôl chia sẻ: “Muốn cốm dẹp ngon, lúa nếp phải được chọn kỹ, sau đó đem ngâm, rửa sạch để nếp nở và lấy hạt lép ra. Sau khi để ráo nước mới đem rang với lửa nhỏ vừa, đến lúc có hạt nếp nổ là vừa chín tới, phải đem đi quết ngay. Như vậy cốm quết xong sẽ dẻo, thơm, ngon; hạt cốm bảo quản được lâu và không bị mốc”. Bình quân một tháng cơ sở của chị Phuôl giao gần 20 tấn cốm dẹp, vào ngày lễ số lượng tăng lên, nên phải mua thêm lúa nếp từ các tỉnh Trà Vinh, An Giang.
Vợ chồng chị Thạch Thị Phất quết cốm gia công cho chị Phuôl hơn một tháng nay, cứ 2 giờ sáng là vợ chồng chị cùng với những người khác làm việc đến khoảng 8 giờ là nghỉ, chiều từ 14 giờ đến 18 giờ. Bình quân quết 100kg lúa nếp thu được 60kg cốm nên thu nhập cũng được 180.000-200.000 đồng/người/ngày. Chị Phất nói: “Phụ nữ thì rang nếp và sàng cốm, còn cánh đàn ông thì quết. Mấy năm gần đây cơ sở chị Phuôl đầu tư máy hỗ trợ công đoạn quết cốm, nên nhẹ công hơn mà cốm cũng đẹp hơn. Nhờ công việc này mà gia đình tôi thêm thu nhập”.
Cùng ngụ tại Phước Quới, anh Lâm Văn Mil cho biết: “Gia đình tôi thì chủ yếu lấy công làm lời, tự mua lúa nếp về, cả nhà cùng nhau quết cốm dẹp. Ðây là nghề truyền thống cho thu nhập ổn định nên gia đình tôi đã gắn bó với nghề này ba thế hệ rồi. Hơn tháng nay, ngày nào cũng có người đến tận nhà lấy hàng, quết ngày nào giao ngày đó. Thời điểm cận lễ hội Ok-Om-Bok, cả nhà thức quết cốm từ 2 giờ sáng, làm đến gần trưa mới đủ hàng giao cho khách, trung bình mỗi ngày cũng làm được hơn 100kg cốm”.
Ông Trương Ðắc Pháp, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết thêm: “Phước Quới có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer và ấp có nghề quết cốm dẹp nổi tiếng. Hiện nay trong ấp có 4 cơ sở sản xuất cốm dẹp thu hút hàng trăm lao động địa phương; và gần 40 hộ vẫn giữ nghề quết cốm dẹp. Làng nghề sản xuất quanh năm chứ không chỉ vào mùa lễ hội như trước đây”. Có lẽ đó là vì cốm dẹp Phước Quới còn là món ngon để khách du lịch chọn mua làm quà biếu tặng bạn bè, người thân khi đến với sông nước miền Tây.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NGHI
Nguồn: Báo Cần Thơ