Điểm đến tuyệt đẹp bên bờ Di sản
Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Quảng trường 30/10 - Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến Quảng Ninh.
Bảo tàng Quảng Ninh do kiến trúc sư Salvador Perez Arroyo (người Tây Ban Nha, một trong 10 kiến trúc sư hàng đầu thế giới theo trường phái hậu hiện đại) thiết kế, dựa trên cảm hứng từ hình tượng than đá, loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh.
Từ bên ngoài, Bảo tàng Quảng Ninh đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách bằng tường đá đen bóng, bao bọc tòa nhà như tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh biển, trời Hạ Long. Tọa lạc ngay trước cụm công trình này là tảng than nguyên khối nặng 28 tấn đạt Kỷ lục Việt Nam - biểu tượng của ngành công nghiệp Đất mỏ.
Bảo tàng Quảng Ninh, điểm check in của đông đảo người dân và du khách.
Không chỉ có một thiết kế bên ngoài đầy ấn tượng, Bảo tàng Quảng Ninh còn mang đến cho du khách những giá trị độc đáo về thiên nhiên và lịch sử qua các tác phẩm trưng bày tại đây. Trái ngược với màu đen mạnh mẽ bên ngoài, không gian bên trong bảo tàng lại có tông trắng chủ đạo để làm nổi bật các hiện vật được trưng bày. Tại khu vực tầng 1, điểm nhấn đầu tiên là mô hình thuyền buồm và khung xương cá voi hùng vĩ, tiếp đó là những tác phẩm mang đậm nét không gian của thiên nhiên và hệ sinh thái biển.
Tại tầng 2, du khách được tham quan những di tích lịch sử qua các thời kỳ từ đồ đá, kim khí đến kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Còn tầng 3, là không gian trưng bày lịch sử của ngành Than, ngành công nghiệp quan trọng của đất nước.
Không gian trưng bày lịch sử của ngành Than tại tầng 3 của Bảo tàng Quảng Ninh.
Với những thiết kế ấn tượng, giá trị độc đáo về lịch sử, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Quảng Ninh đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Năm 2015, Bảo tàng thu hút 77.000 lượt khách, đến năm 2018 đã tăng lên 220.000 lượt khách. Với chính sách kích cầu du lịch của tỉnh là giảm 50% giá vé thu phí vào điểm tham quan, những ngày này, Bảo tàng Quảng Ninh đón hơn 1.600 lượt khách tham quan, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Quảng trường 30/10 trở thành không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân Hạ Long và đông đảo du khách.
Ngay cạnh Bảo tàng là Quảng trường 30/10, sở hữu cảnh quan đẹp, thoáng mát, rộng rãi, vào mỗi buổi tối, nơi đây đã trở thành không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân Hạ Long và đông đảo du khách. Tháng 6/2020, tại đây đã diễn ra Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 6 với chủ đề “Yoga from home”, do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của gần 3.000 vận động viên từ các liên đoàn, hội, câu lạc bộ Yoga trong nước và quốc tế.
Đồng diễn, giao lưu biểu diễn yoga tại Quảng trường 30/10 (TP Hạ Long). Ảnh: Phạm Học
Tiếp nối cụm công trình này là Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, đây là điểm nhấn của bức tranh tổng thể kiến trúc đô thị TP Hạ Long, cũng do kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha thiết kế. Với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công trình gồm 2 khối nhà, khối thứ nhất là nhà mái vòm dạng vỏ ốc, mặt bằng hình oval; khối thứ hai nằm phía trên, trưng bày quy hoạch với tiết diện liên tục thay đổi, hình vòng cung lớn trải dài từ đông sang tây như hình chú cá heo.
Nơi đây còn được gọi với cái tên “Cung Cá heo”, trở thành điểm đến yêu thích của những bạn trẻ đam mê “check-in” bởi "bức tường đỏ", "bức tường xanh" ở 2 phía "eo" của chú cá heo. Trong những dịp lễ, Tết, các sự kiện lớn của tỉnh, Cung là khu vực để trưng bày, triển lãm, tổ chức hội chợ, các sự kiện âm nhạc, thể thao, văn hóa lớn của tỉnh.
Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh.
Không chỉ nằm ở vị trí trung tâm của thành phố, nằm gần cạnh bờ Di sản đầy thơ mộng, đến với cụm công trình kiến trúc này, du khách có thể dễ dàng tham quan các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh và cụm di tích khác ở Hạ Long một cách thuận tiện và nhanh chóng, như: Núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, chợ Hạ Long, trung tâm thương mại Vincom… Vì vậy, du khách nhớ đừng quên điểm nhấn này trong hành trình khám phá vẻ đẹp, cuộc sống của một Hạ Long thơ mộng mà không kém phần hiện đại.
Hoàng Nga