Múa Tắc Xình: Di sản của đồng bào Sán Chay - Thái Nguyên
Các nghệ nhân xóm Đồng Tâm (xã Tức Tranh, Phú Lương) trong vũ điệu Tắc Xình.
Nghệ nhân Ưu tú Hầu Thanh Tĩnh tự hào: Múa Tắc Xình của người Sán Chay xóm Đồng Tâm là điệu dân vũ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Sau 10 năm được công nhận, múa Tắc Xình đã lan tỏa đến nhiều khu dân cư của tỉnh, trở thành “đặc sản” của huyện Phú Lương trong các hội diễn văn nghệ quần chúng.
Không chỉ để thỏa mãn nhu cầu giải trí, điệu múa Tắc Xình (Cầu mùa) của đồng bào dân tộc Sán Chay với tâm niệm gửi gắm đức tin của mình tới thế giới siêu nhiên; cầu cho mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt, nhà nhà được bình yên, hạnh phúc. Múa Tắc Xình cũng thể hiện đạo hiếu của đồng bào dân tộc Sán Chay đối với tổ tiên; đồng thời là “cầu nối” tâm linh giữa trời, đất và con người. Điệu múa cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu lao động của đồng bào trong quá trình xây dựng làng bản no ấm.
Bởi nét độc lạ, nhưng gần gũi nên múa Tắc Xình được các thế hệ đồng bào người dân tộc Sán Chay trao truyền. Thường vào dịp lễ hội đầu Xuân, múa Tắc Xình lại được tổ chức rộn ràng sôi động. Trước hội, bà con xóm Đồng Tâm rủ nhau ra bãi cỏ bên rừng chò gần xóm để cùng nhau tập luyện. Ông bà, cha mẹ dạy cho con cháu, lớp sau theo lớp trước, điệu múa được bảo tồn nguyên bản gốc và phát huy giá trị thông qua quá trình thực hành diễn xướng của đồng bào.
Điệu múa gồm 9 “hoạt cảnh”: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim gâu. Múa Tắc Xình còn độc đáo ở chỗ được diễn xướng trên nền nhạc nguyên sơ, không bị pha trộn bởi dòng nhạc hiện đại. Bộ gõ được đồng bào sử dụng gồm: Trống nứa, chiêng, chập cheng, các ống tre và thanh tre có độ dài, ngắn khác nhau và không thể thiếu trống đất, một nhạc cụ quan trọng trong múa Tắc Xình.
Trống đất, thực ra là một hố đất được đồng bào đào sâu xuống khoảng 30cm, đáy dưới khoét rộng hơn trên miệng, càng rộng âm hưởng càng lớn. Nhưng để hoàn thành chiếc trống đất, sau khi khéo léo khoét xong hố, đồng bào đặt cố định lên miệng hố mảnh vỏ cây làm mặt trống. Trong suốt quá trình diễn xướng, trống đất giữ vai trò chủ đạo, đồng thời được coi là âm hưởng chuyển tải mong ước của đồng bào đến các vị thần linh và tổ tiên.
Tiết tấu của nhạc cụ giản đơn, bao gồm 2 âm tiết chính là tắc và xình, dễ học, dễ làm theo. Nhịp tắc đưa chân lên, nhịp xình hạ chân xuống. Âm thanh giản đơn nhưng đồng bào dân tộc Sán Chay đã tạo được một bản nhạc thi vị, sống động, mê hoặc người chứng kiến. Bởi lẽ ấy, múa Tắc Xình có sức sống mãnh liệt, ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư.
Không chỉ đồng bào dân tộc Sán Chay múa Tắc Xình, nhiều dân tộc khác trong tỉnh Thái Nguyên cũng tập luyện múa Tắc Xình để biểu diễn vào các dịp lễ hội đầu Xuân; vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc… Bởi một lẽ giản đơn: Múa Tắc Xình ngoài ý nghĩa đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào, còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, yêu lao động, thể hiện nét đẹp mang bản sắc văn hóa độc đáo.
Phạm Ngọc Chuẩn