Nam Định: Xác định chính xác tên gọi di tích tại Phủ Dày
Phủ Chính Tiên Hương tại khu di tích Phủ Dày.
Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dày có hơn 20 đền, phủ, lăng... chủ yếu nằm trong phạm vi xã Kim Thái và là trung tâm Ðạo Mẫu lớn và hoàn chỉnh nhất trong cả nước. Trong ba di tích chính của khu di tích Phủ Dày bao gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì Phủ Tiên Hương là khu di tích đẹp, được xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663-1671) và đã qua nhiều lần trùng tu. Phủ có 19 tòa với 81 gian lớn nhỏ nhìn về dãy núi Tiên Hương cùng sân, hồ rộng. Phủ có bốn cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ được trang trí, chạm khắc khá đẹp với các hình rồng, phượng, hổ… Chính cung (cung đệ nhất) có một khám thờ khảm trai, bề thế, tinh xảo và là nơi đặt pho tượng cổ có giá trị mỹ thuật cao từ năm 1703. Tại Phủ Tiên Hương còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ khác với các sắc phong qua các triều đại cùng bia đá, chuông đồng, lư hương, hạc có giá trị cao về lịch sử và văn hóa.
Trong tâm thức dân gian cùng tư liệu lịch sử và hiện vật cổ, Phủ Tiên Hương được xếp ở vị trí Phủ Chính, tức là trung tâm thờ Mẫu chính trong khu vực so với các di tích khác của Phủ Dày và thường được gọi là Phủ Chính Tiên Hương. Những chữ “Phủ Chính” hay “Phủ Chính Linh từ” tại Tiên Hương đã được ghi rõ ở nhiều văn bản, trong đó có 15 đạo sắc phong của các triều đại từ năm 1730 đời Vua Lê Vĩnh Khánh cho đến năm 1924 dưới triều Nguyễn. Ðặc biệt, Sắc phong đời Vua Lê Cảnh Hưng năm 1767 có viết: “... Nay Trẫm nối ngôi, tiến phong vương vị cho Thần được thờ phụng ở nơi Chính Phủ...”. Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu tên gọi các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dày của Ban quản lý di tích danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Ðịnh năm 2019 cũng nêu rõ tên gọi “Phủ Chính” tại Tiên Hương trong các di tích bia đá như: bia “Tiến cúng điền bi” (năm 1892), bia “Thập phương cúng ngân Bi Ký”, bia “Quan lại cúng ngân bi ký” và bia “Tiên Hương Phủ từ tự điển bi ký” (1914). Nhiều hiện vật cổ thờ tự đang được lưu giữ nơi đây như: ấn đồng, chuông đồng, hạc đồng, bát hương, lọ, khánh... cũng khắc rõ chính xác “Tiên Hương Thánh Mẫu Phủ Chính” hoặc “Phủ Chính Tiên Hương” như các tư liệu nêu trên. Trong các văn bản chính thức của các cơ quan quản lý di tích của địa phương và tỉnh Nam Ðịnh như hồ sơ khoa học lý lịch về khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dày của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Ðịnh năm 2020 trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê các hiện vật sắc phong, hiện vật cổ cũng ghi rõ tên gọi Phủ Chính hay Phủ Chính Tiên Hương. Trước đó, từ năm 1964, Ủy ban hành chính tỉnh Nam Ðịnh, Ty Văn hóa và Ủy ban hành chính huyện Vụ Bản đã có biên bản quy định Phủ Chính thuộc xã Kim Thái. Năm 1975, trong bản lý lịch liệt kê di tích lịch sử Phủ Dày cũng ghi rõ hệ thống Phủ Dày bao gồm: Phủ Chính, Phủ Vân, Lăng, đền Thượng...
Với các nguồn tư liệu khoa học lịch sử nêu trên và tâm thức dân gian, có thể khẳng định rõ ràng tên gọi Phủ Chính hay Phủ Chính Tiên Hương trong Khu di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dày. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, việc xác định tên gọi như vậy vẫn chưa được thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến việc quảng bá, giới thiệu về di tích, tín ngưỡng thờ Mẫu đến với khách du lịch trong nước, quốc tế cũng như nhân dân cả nước để hiểu về di tích, lễ hội và tín ngưỡng thờ Mẫu nơi đây. Mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Ðịnh, nêu rõ: “... thống nhất theo nội dung hồ sơ khoa học của di tích, trong đó Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ Chính và Phủ Chính Tiên Hương”. Trước đó, Cục Di sản văn hóa cũng đã có công văn cơ bản thống nhất với đề nghị của những người quản lý, trông coi Phủ Tiên Hương về việc treo biển tên di tích là “Phủ Chính Tiên Hương”. Cục đã đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Ðịnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo sự đồng thuận và giám sát việc treo biển tại vị trí phù hợp tại Phủ và các biển chỉ dẫn đường đến di tích, bảo đảm trang trọng, đúng theo quy định, trong trường hợp cần thiết có ghi chú rõ ràng đối với tên gọi di tích.
Việc xác định chính xác tên gọi di tích Phủ Chính có căn cứ cụ thể về mặt lịch sử và quy định pháp lý như Luật đã cho phép, không những góp phần tôn vinh di sản, thể hiện sự tôn trọng lịch sử mà còn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Trần Bằng Giang