Dạt dào rừng đước
Đến với biên giới địa đầu cực Bắc Tổ quốc Móng Cái, ta bắt gặp hai câu thơ khiến lòng rưng rức nhớ thương và tự hào xứ sở: “Từ Móng Cái rừng dương/Đến Cà Mau rừng đước" (Tố Hữu)
Dặm dài 3.260 km ấy tạo nên dáng vẻ đất nước hình chữ S mềm mại mà uyển chuyển, diệu kỳ và kiêu hãnh bên bờ biển Đông.
Rừng ngập mặn Cà Mau - chủ yếu là cây đước - ngày ấy đại ngàn bao trùm cả huyện Năm Căn và Ngọc Hiển bây giờ. Và trong trời đất thiên nhiên của thế giới này, rừng ngập mặn Cà Mau và rừng ngập mặn Amazon Nam Mỹ như cặp song sinh đóng vai trò làm sạch bầu khí quyển. Vậy mà khi xâm lược Việt Nam, Mỹ đã không ngần ngại huỷ diệt người anh em này: hàng ngàn tấn bom pháo từ các loại máy bay và hạm tàu đã ngày ngày băm nát cánh rừng. Với họ, những người đi xâm lược, thế vẫn còn chưa đủ. Họ không ngần ngại tưới xuống thảm thực vật của nhân loại hoá chất độc - thứ vũ khí mà Công ước quốc tế cấm sử dụng, tạo ra những vùng trắng hoa thiên. Làm vậy họ muốn rừng vĩnh viễn mất đi để dễ bề khống chế người dân yêu nước, yêu tự do, hoà bình.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên 41.862 ha, bao gồm diện tích đất liền 15.262 ha và diện tích đất ven biển 26.000 ha. Ảnh Huỳnh Lâm
Nhưng “Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng/Gió càng lay càng dựng thành đồng” (Tố Hữu). Bằng bản năng mãnh liệt, những cây đước còn sống phóng thẳng trái hình que xuống bùn non duy trì nòi giống. Nơi nào hoá chất độc làm chết trắng thì bộ đội và Nhân dân, không phân biệt già trẻ, gái trai, bất chấp bom đạn, đêm ngày trồng lại từng cây đước cho rừng hồi sinh với lời thề sắt son: … Bao giờ hết đước Năm Căn… Mũi Cà Mau đó ta nhường cho bây (Ca dao).
Cây đước trời sanh vốn dĩ hiên ngang. Chùm rễ hình chưn nôm của nó giữ cho thân cây ở thế sừng sững như chọc trời, khó có dông tố gì lay chuyển. Những cây đước cặp bờ kinh khi đất sụp lở làm nó nghiêng mình, thì chẳng bao lâu thân nó mọc ra từng chùm rễ phụ (người xứ này gọi là chang đước) cắm thẳng xuống lòng đất làm thế trụ chọi không cho cây sụp đổ. Tượng đài biểu trưng cho đất và người Cà Mau đặt giữa thành phố với hình tượng chủ đạo cây đước là nét chấm phá đặc trưng cho sức sống mãnh liệt cả trong lịch sử mở cõi, rồi kháng chiến chống ngoại xâm và đương đầu với cuồng phong bão tố.
Dưới tán rừng đước là nơi trú ngụ của hàng trăm loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà cây đước trở thành niềm tự hào, là biểu tượng khi cùng với cây mắm, cây tràm tạo nên điểm khác biệt “đất biết nở, rừng biết đi” từ thời mở cõi:
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát,
Sau hàng dừa nước mái nhà ai”.
Xin thố lộ với bạn, từ mũi đất cực Nam này, khi tôi mới sinh ra đã chạm bàn tay vào trái đước xanh rì; sống dưới mái nhà mát lành được làm từ cây gỗ đước; thả giấc ngủ bồng bềnh trên chiếc võng hai đầu buộc vào chang đước giữa trưa hè gió lộng... Lớn lên, cầm trên tay đôi đũa đước, lùa miếng cơm mà nghe nặng nợ ân tình; đưa tay vốc từng chụm than đước như chạm vào giọt mồ hôi của những người thợ lò; tự hào lắm chứ khi du khách chọn mua những sản phẩm được chế tác từ cây đước... Và còn nhiều, rất nhiều câu chuyện được viết lại, kể lại trong quá khứ đến hiện tại về cây đước quê hương.
Ngày xưa, than đước Năm Căn là nhiên liệu chính cứ âm ỉ rực lửa hồng tươi bếp lò cho những bữa cơm dẻo, canh nóng từ đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn tới hầu hết cả lục tỉnh Nam Kỳ.
Ông nội tôi từ xứ dừa Bến Tre, nặng mang mối thù bọn cướp và bán nước nên “Nóp với giáo mang ngang vai/ nhưng thân trai nào kém oai hùng” đã đến rừng đước Cà Mau cùng đồng đội chiến đấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, được "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” giúp sức cùng cả dân tộc làm nên khúc khải hoàn mùa xuân lịch sử 1975 vĩ đại. Những địa danh được phủ kín dưới vô vàn tán lá xanh rì của rừng đước dạt dào yêu thương của Vàm Lũng, Rạch Gốc, Hố Gùi, Hóc Năng, Xẻo Già… trên đất Cà Mau gắn liền với những chiến tích xây dựng bến bãi, tiếp nhận và vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.
“Nhớ xưa trên mảnh đất này
Rạch thành bến cảng, rừng xây kho tàng"
(Câu thơ lưu truyền từ thời Đoàn tàu Không số)
Cây đước lần nữa được kể đến khi nó trở thành vật liệu chủ yếu để làm bến bãi, kho chứa vũ khí, quân trang, quân dụng... Nhiều căn cứ của ta được xây dựng trong rừng đước, cho đến Trường Hàng hải 373, Trường Thiếu sinh quân 673… cũng làm từ cây gỗ đước, lợp lá dừa nước. Đặc biệt, tại vùng đất Viên An, khi hay tin Bác Hồ từ trần, Tổ Đảng ấp Trại Lưới cùng với Nhân dân vào rừng đốn cây đước về xây dựng Đền thờ Bác Hồ để ngày đêm hương khói tưởng nhớ. Đây cũng là đền thờ Bác Hồ đầu tiên của Cà Mau được xây dựng tại hậu Nà Chim.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau khánh thành ngày 10/12/2019, là biểu tượng cho “Non sông nối liền một dải” tại vùng cực Nam Tổ quốc.
Lịch sử Đảng bộ xã Viên An anh hùng còn ghi lại: “Bảy ngày sau khi Bác qua đời, đền thờ được dựng lên bằng gỗ đước, mỗi cạnh 4 m, kê tán trên sàn cao, ván lót sàn bằng gỗ đước…”. Giờ đây cây đước vẫn sinh sôi cho rừng đước Cà Mau mãi vươn xa bát ngát tận chân trời, dạt dào cùng phù sa lấn biển, chắt chiu nuôi dưỡng bao sản vật thiên nhiên trù phú, làm rạng ngời thêm danh xưng Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới. Người dân thuỷ chung bao đời với rừng vẫn ra sức giữ gìn từng tấc đất, cành cây cho rừng vẫn vàng, biển vẫn bạc, cho hôm nay và cả mai sau, nhiều mô hình tôm sinh thái, du lịch cộng đồng… Và một lần nữa cây đước vẫn là phép màu cho nghề nuôi tôm sinh thái... Vì thế, cây rừng được khai thác khi đến tuổi, duy trì các làng nghề hầm than đước, đũa đước, gỗ mỹ nghệ từ cây đước… Mặc nhiên, trên các triền sông, bên những dòng kinh quanh co uốn khúc đây đó thấp thoáng những căn nhà làm bằng gỗ đước không cửa, bốn mùa gió lộng vẫn tồn tại như cốt cách phóng khoáng, gần gũi, trên hết là lòng mến khách vốn dĩ của người dân Đất Mũi./.
Chí Công - Khánh Phương