Nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới
Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, cơ sở đào tạo du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các bên liên quan trao đổi, thảo luận đưa ra các định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và nhu cầu của xã hội trong bối cảnh mới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhận định, thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam cũng như toàn thế giới phải chứng kiến sự khủng hoảng trầm trọng trước tác động của đại dịch Covid-19. Những thiệt hại mà ngành du lịch phải gánh chịu không chỉ nằm ở mức độ kinh tế, mà còn ở góc độ về nhân lực. Nhiều lao động chuyển nghề dẫn đến việc thất thoát nhân lực đối với lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được sự chuyển biến của ngành.
Thực tế đó đặt ra nhu cầu phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao có khả năng thích ứng dưới tác động đa chiều của các yếu tố kinh tế, an ninh phi truyền thống và đặc biệt là những xu hướng mới của thời đại công nghệ 4.0 nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành trong quá trình phát triển.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: TITC
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa chia sẻ, theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sớm nhất là năm 2024, lượng khách du lịch toàn cầu phục hồi về mức trước đại dịch. Lượng khách tăng trở lại kèm theo những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị trường du lịch, công nghệ số đặt ra những thách thức không nhỏ đối với đội ngũ nguồn nhân lực du lịch trong tình hình mới.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá mỗi năm ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hàng năm các trường chỉ đào tạo 20.000 sinh viên, tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp. Nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN. World Bank cũng đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong thang năng lực quốc tế. Do vậy, rất cần nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Nhận diện về một số vấn đề đặt ra hiện nay đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho rằng còn có sự bất cập trong việc đưa chính sách đào tạo nguồn nhân lực vào cuộc sống, nhân lực du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch về số lượng, chất lượng và tâm lý người lao động ngành không ổn định, cùng với đó là yêu cầu cao trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp đề xuất là cần có điều tra nguồn nhân lực; rà soát, tái cơ cấu hệ thống cơ sở đào tạo; triển khai tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và tăng cường chất lượng đào tạo.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Bàn về đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường trong thời kỳ mới, ThS. Vũ An Dân, Khoa du lịch, Trường Đại học mở Hà Nội đánh giá sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, sự ra đời của các nền tàng sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ và các công cụ chỉ đường, tìm kiếm thông tin, biên và phiên dịch đang mang lại nhiều thách thức về công nghệ dần thay thế hướng dẫn viên.
Trong cuộc chạy đua với công nghệ, hướng dẫn viên cần được đào tạo sử dụng thành thạo các công nghệ trong du lịch để thực sự làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để hỗ trợ công việc. Việc mở rộng thị trường du lịch đồng nghĩa với việc nắm bắt đặc điểm của khách từ thị trường mới và đặc biệt là ngôn ngữ mới. Do đó cần đào tạo để chuẩn bị cho thị trường địa lý mới, nhóm khách hàng mới với nhu cầu mới.
GS.TS Nguyễn Văn Đính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Trong phiên thảo luận, GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch như đi lại, ăn ở, học phí nhằm thu hút sinh viên theo học ngành du lịch như tỉnh Ninh Bình đã thực hiện. Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Văn Đính đề nghị cần bổ sung mã ngành đào tạo về du lịch. Cần có đào tạo tại chỗ (tại doanh nghiệp), tại trường và tại cộng đồng để tạo sự đồng bộ, toàn diện. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, chính quyền; gắn đào tạo lý thuyết và thực tế, thực hành.
Còn theo PGS. TS Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH&NV, cần có định hướng đào tạo rõ ràng hơn nữa giữa các cấp đào tạo (trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề) để tạo sự đồng bộ, đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nhu cầu nguồn nhân lực.
PGS. TS Phạm Hồng Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi về việc sử dụng đúng người đúng việc, xây dựng bộ chỉ số xếp hạng hướng dẫn viên, nâng cao chất lượng giảng viên, cập nhật tài liệu giảng dạy…
Trung tâm Thông tin du lịch