Hoạt động của ngành

Nâng tầm sản phẩm địa phương

Cập nhật: 04/04/2022 10:36:56
Số lần đọc: 884
Khai thác nội lực của địa phương là làm các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ một cách có trọng tâm, nâng tầm sản phẩm. Ðây không phải là câu chuyện xa vời trong nhiều làng ven biển miền trung.


Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng ở làng cổ Gò Cỏ. (Ảnh Nguyễn Kiều)

Qua ba địa bàn thuộc Ðà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi cho ta một vài cảm nhận về chuyện làm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) căn cứ trên những nguồn lực ở các địa phương. Thay vì đặt ra bài toán phát triển sản phẩm và dịch vụ quá rộng, họ đã hướng suy nghĩ vào sản phẩm làng mình, quê mình đã có với một tâm thế nâng tầm sản phẩm.

OCOP cho nước mắm Nam Ô

Bài học từ OCOP nước mắm phải kể đến anh Nguyễn Việt Dũng, ngụ tại làng nước mắm Nam Ô (Ðà Nẵng). Từ nhỏ, anh Dũng đã cùng gia đình ra khơi đánh bắt cá, ướp cá làm mắm. Vậy nên sau này dù đã đi học đại học, có việc làm ổn định, anh vẫn giữ bản chất, thói quen của người làm nghề truyền thống trong làng: "Nhiều năm trước, nước mắm Nam Ô bị chê là mặn, chát, hôi". Trong làng, số gia đình làm nước mắm truyền thống cũng ngày một ít đi và dường như hiếm người "sống" được từ nghề này.

Thế nhưng ở một khía cạnh khác, anh Dũng nhận ra, nước mắm Nam Ô là món quà của người Ðà Nẵng đi xa, cũng là món quà của khách các tỉnh, thành phố về chơi Ðà Nẵng muốn mang theo. Khi thấy nguy cơ mất thương hiệu là có thật, anh thăm dò bạn bè, người thân để tìm hiểu nhu cầu của mọi người nhằm quay trở về sử dụng nước nắm truyền thống. Năm 2015, bước sang tuổi 40, anh mới bắt đầu thử làm mắm trở lại. Anh mua hai tấn cá làm mắm nhỉ (mắm cốt), dành toàn tâm cho sản phẩm. Một năm sau, anh mang thành phẩm là nước mắm giới thiệu cho nhiều người dùng thử. "Vậy mà hiệu quả không ngờ. Ðược đón nhận ngay, lại có thêm nhiều khách hàng đến đặt mua"- anh Dũng cho biết.

Có được nền tảng, anh quyết tâm mở rộng đầu tư hơn cho sản phẩm của mình. Anh vào miền nam mua 150 lu sành loại lớn dùng ủ cá, thực hiện ủ theo cách gối đầu để có sản phẩm cung ứng quanh năm. Từ 2 tấn cá ủ ban đầu đã tăng lên 7 tấn, rồi có năm đạt 20 tấn. Do số lượng cung ứng ngày càng lớn, anh đã cùng một cơ sở thành lập Hợp tác xã mắm Bình Minh với sản phẩm chính là mắm nhĩ Bình Minh. Với tiêu chí an toàn, chất lượng, luôn giữ niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, anh lựa chọn cách đi từng bước chậm mà chắc. Năm 2019, sản phẩm mắm nhĩ Bình Minh được trao chứng nhận OCOP 4 sao.

Hiện nay, cứ 2 tuần hợp tác xã xuất hàng ra thị trường một lần. Trung bình mỗi năm, mắm Bình Minh cung ứng từ 4.000 đến 5.000 lít nước mắm thương phẩm. Ðể thuận tiện cho việc làm nước mắm, tham quan làng nghề nếu người dân, du khách có nhu cầu. Anh Dũng cũng muốn dây chuyền sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chuyên nghiệp hơn. Ðây cũng là nỗ lực chung của người dân trong làng, chính quyền thành phố nhằm vực dậy làng nghề, giữ vững thương hiệu, dần dần phát triển hơn.

Ðưa làng chài lên bản đồ du lịch

Làng cổ Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh (thị xã Ðức Phổ, Quảng Ngãi) là một địa chỉ như vậy. Làng nằm bên cạnh đầm An Khê, bên sóng biển Sa Huỳnh khiến du khách mỗi khi đến làng đều cảm giác thoát đi những nỗi ưu tư phiền muộn, thả hồn bên những mặt nước đối lập nhau. Làng Gò Cỏ có 80 nóc nhà, cất giữ nhiều nét văn hóa đa tầng của người Việt cổ xưa. Tại đây, nhiều thuyền thúng nhỏ đánh cá gần bờ cùng nghề truyền thống đan thúng, nong nia, rổ rá. Vào dịp Tết cổ truyền hay hội hè, làn điệu bài chòi, hát đối, hát sắc bùa của người dân luyến láy thiết tha, truyền cảm. Trong làng còn có đường đá cổ, giếng cổ, đền thờ in đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh.

Nhà bà Bùi Thị Vân (63 tuổi) là một trong những địa chỉ đón đoàn khách đến tham quan, cùng ăn ở làm việc với gia đình. Khách theo bà vá lưới, đan lát, chèo thuyền được trải nghiệm làm người xứ biển và đôi bên đều thích thú những khám phá mới. Thu nhập chỉ có 120-150 nghìn đồng mỗi ngày nên bà mong ước nhiều khách về làng cho cộng đồng, con cái bà được lập nghiệp mới: "Làm du lịch cộng đồng là bà con mình tự làm, vừa có thu nhập vừa biết nhiều. Từ những gì mình giữ gìn thì nay giới thiệu khách tham quan cũng là hy vọng con cái đi làm thuê ở xa về lập nghiệp". Thực tế, nếu không bảo tồn, gìn giữ và phát huy dấu tích xưa, yên bình mộc mạc thuần chất nét đẹp làng quê ven biển Việt Nam thì cơn lốc đô thị hóa, bê-tông hóa sẽ xóa dần những làng ven biển cổ xưa như Gò Cỏ. Và du lịch cộng đồng vùng biển là khởi đầu mới, sẽ cải thiện đời sống cư dân bên chân sóng. Hiện tại, Hợp tác xã du lịch đồng làng Gò Cỏ có 37 thành viên, hình thành các tổ dịch vụ thuyền nan, homestay, thuyết minh viên...

Tương tự ở làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, thành phố Hội An, Quảng Nam) từ mong muốn nhiều người biết đến tên làng, tên bờ biển, nhiều người làm du lịch ở đây khởi tạo một phiên chợ cuối tuần mang tên làng chài. Với phương châm ban đầu là "bán chứ không buôn", ai muốn bán gì cứ đăng ký trước, rồi kê sẵn cái bàn, hoặc chỉ cần trải tấm vải hai bên đường để bày biện đồ. Lúc đầu cũng chỉ một vài hộ kinh doanh tham gia, nhưng chỉ sau một vài phiên đã thu hút nhiều người tới bán và cả khách ghé mua, vui chơi cùng các hoạt động văn hóa văn nghệ của chợ phiên, trong đó cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Ông Lê Quốc Việt, Phó Giám đốc Hợp tác xã du lịch làng chài Tân Thành, Trưởng Ban quản lý chợ cho biết: "Thành công lớn nhất của chợ phiên có lẽ là cả du lịch và cả cộng đồng được "đánh thức", cũng bởi có sự chia sẻ và tham gia của cả cộng đồng gắn kết cùng hướng đến mục tiêu xây dựng một sản phẩm du lịch mới lạ. Nay biển Tân Thành đã được nhiều người biết tới hơn, đã trở thành một điểm đến mới khi du khách tới Hội An".

Mỗi phiên chợ có khoảng 70 - 100 gian hàng nhỏ được chia làm các khu khác nhau như: Khu ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… Hàng hóa được bày bán đều là sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế, đồ hữu cơ hoặc một vài mặt hàng do chính người dân tự tay làm và mang tới bán... Sinh sống và làm việc tại Hội An được hơn 6 năm nay, chị Piangruethai (Thái Lan) cho hay: "Tôi chọn mua một vài sản phẩm để dùng trong nhà, bên cạnh đó còn cùng bạn bè đi chợ, thăm hỏi một vài người bạn đứng bán. Chợ phiên cũng khác biệt, không xô bồ phức tạp, người lạ cũng thành người quen khi hỏi thăm nhau vài câu về cuộc sống, chia sẻ một vài sản phẩm làm được. Mỗi lần đến chợ chúng tôi có cảm giác như tìm về một nơi thân quen, thoải mái".

Nói về du lịch, nói về làng nghề nước mắm, anh Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: "Tôi sẵn sàng tham gia các hoạt động về du lịch trải nghiệm, đón khách tới với làng, với rạn Nam Ô. Bởi không có làng nghề thì không có mắm Bình Minh".

Tháng 3 âm lịch, mùa của cá cơm than, mùa của những hộ dân nơi đây mỗi ngày nhập cá về ướp cho vụ mắm mới. Các hộ sáng sớm lại ra rạn Nam Ô đón tàu, đón ánh mặt trời buổi sáng. Dịch vụ du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành vừa được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2021, đây cũng là sản phẩm dịch vụ du lịch duy nhất của tỉnh đạt được công nhận này.

Với Quảng Ngãi, nhiều di sản văn hóa biển đặc trưng, độc đáo gắn với du lịch cộng đồng theo chuẩn OCOP, dịch vụ dần chuẩn hóa, hoàn thiện quy chế; các tiêu chí về môi trường cũng được thực hiện chặt chẽ để sản phẩm dịch vụ tốt hơn. Làng cổ Gò Cỏ biển Sa Huỳnh đạt chuẩn OCOP 3 sao khởi sắc mới về du lịch cộng đồng. Sản phẩm dịch vụ du lịch biển theo chuẩn OCOP chất lượng, chuyên nghiệp, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, nâng cao thu nhập cho cư dân vùng nông thôn, và bảo tồn, gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống quê hương. "Chúng tôi hỗ trợ người dân xây dựng làng Gò Cỏ thành điểm du lịch cộng đồng. Những sản phẩm, dịch vụ du lịch ở đây được tổ chức đúng nguyên bản, theo chuẩn để phục vụ du khách. Hợp tác xã cũng mong muốn liên kết hợp tác và có những chính sách, giải pháp bảo tồn, phát triển làng du lịch cộng đồng này" - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết.

Là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh như Ba Làng An, dấu tích văn hóa Sa Huỳnh… Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Bài, ảnh: Thanh Tâm và Ðông Huyền

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 04/4/2022

Cùng chuyên mục