Nâng tầm sản phẩm du lịch
Phú Quốc - điểm đến thu hút khách du lịch. Ảnh minh họa
Các tổ chức du lịch quốc tế cho rằng, tiềm năng du lịch Việt Nam còn rất lớn, nhiều dư địa chưa được khai thác, bởi thiếu sản phẩm mang thương hiệu quốc gia để du khách chi tiêu nhiều hơn. Mỗi năm, Việt Nam đón hơn chục triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, nhưng số khách chọn mua quà lưu niệm và yêu thích các sản phẩm Việt vẫn là con số rất khiêm tốn.
Theo chuyên gia du lịch, so với nhiều quốc gia, Việt Nam có hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc phủ khắp toàn quốc. Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển với các các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế; các sản phẩm đặc trưng gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực; các sản phẩm dựa trên các lợi thế về tài nguyên tự nhiên. Đặc biệt là các sản phẩm gắn với các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển, các trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước và các đô thị trọng điểm du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa...
Ngoài ra, các loại hình, sản phẩm du lịch mới (du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao); các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch (du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp)... cũng đang thu hút du khách quốc tế.
Thế nhưng, cái yếu và thiếu của du lịch Việt Nam là làm thế nào để du khách chi tiêu nhiều hơn. Nhìn ra những quốc gia lân cận có thể thấy những bài học quý về kích cầu chi tiêu du lịch. Ví dụ, khi đến xứ sở Chùa vàng Thái Lan, du khách bị thuyết phục sau khi được xem các tiết mục biểu diễn, các chuyên gia chiết xuất nọc độc... tại Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan. Sau màn biểu diễn là quảng cáo các loại thuốc, gần như du khách đều chi vài triệu đến hàng chục triệu đồng để mua những lọ thuốc được quảng cáo là chữa... bách bệnh.
Đỉnh cao công nghệ quảng bá sản phẩm thương hiệu quốc gia phải nói đến Hàn Quốc. Du khách năm châu đến đây khó “thờ ơ” với các món hàng quốc bảo như sâm tươi, sâm đã qua chế biến, có mặt trong thức ăn hàng ngày nâng cao thể trạng cho người dân, phong phú chủng loại phù hợp cho người bệnh sử dụng. Du khách thật khó giữ chặt được đồng tiền cuối cùng trước khi rời khỏi quầy bán hàng...
Những năm qua, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục thăng hạng mạnh mẽ với giá trị thương hiệu quốc gia đạt gần 500 tỷ USD năm 2023, xếp thứ 33 trong Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Đến nay, Việt Nam có gần 4.600 sản phẩm đã được bảo hộ trong nước và quốc tế, đều là những sản phẩm đặc sản, hoặc sản phẩm truyền thống của các địa phương được du khách ưa chuộng như: Sâm Ngọc Linh, cà phê, nấm dược liệu, hải sản, mật ong, tinh bột nghệ, hương trầm, hàng thủ công mỹ nghệ...
Thế nhưng, phản ánh từ các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, khách quốc tế chưa biết nhiều đến các sản phẩm thương hiệu quốc gia Việt Nam, nên lượng mua không nhiều, trị giá món hàng không cao.
Rõ ràng, để ngành du lịch phát triển bền vững, Nhà nước cần xác định lĩnh vực mũi nhọn để đầu tư bài bản, tập trung vào những sản phẩm du lịch thực sự nổi trội, mang bản sắc thương hiệu quốc gia. Từ đó thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm mang theo niềm tự hào của quốc gia, không chỉ phục vụ cho người dân trong nước mà còn trở thành món quà không thể thiếu khi du khách rời Việt Nam.
Thanh Thảo