Hành trang lữ khách

Nét đẹp sáo diều Kẻ Bá

Cập nhật: 18/05/2023 10:58:40
Số lần đọc: 583
Diều làng Bá Dương Nội được làm theo kiểu diều thuyền giản dị, không lòe loẹt, sắc mầu, nhưng lại là thú chơi tinh tế, nhất là các bộ sáo diều mang âm điệu du dương khác biệt, như một dàn nhạc trên không. Ðể gìn giữ nét đẹp chơi diều, làng Bá Dương Nội đã tổ chức một cuộc thi dành riêng cho các thí sinh nhỏ tuổi, bên cạnh lễ hội thi thả diều chính thức.  

Làm lễ trình diều tại miếu Châu Trần trước khi tranh tài.

Sau hai năm phải tạm dừng bởi dịch Covid-19, ngày rằm tháng ba âm lịch vừa qua (ngày 4/5), người dân làng Bá Dương Nội (dân gian còn gọi là Kẻ Bá, xã Hồng Hà, huyện Ðan Phượng) mới tổ chức lễ hội thả diều trở lại. Trước khi dự thi, hàng trăm chiếc diều được đem đến miếu Châu Trần để làm lễ “trình diều”, đồng thời, cũng để ban giám khảo kiểm tra các tiêu chí.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Ðể dự thi, trước hết, diều phải đạt tiêu chí dài ít nhất 2,2m, có ba chiếc sáo diều, chiếc sáo nhỏ nhất có đường kính nhỏ nhất là 3cm. Chiếc diều thắng giải là diều có tiếng sáo hay, bay cao, đứng thẳng và đứng im nhất. Năm nay, ngoài chủ nhà và một số đơn vị của Hà Nội, lễ hội còn có các câu lạc bộ đến từ các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng tham gia”.

Dưới nắng chiều đầu hạ, cánh đồng làng Bá Dương Nội trở nên sôi động khi cuộc thi thả diều bắt đầu. Ðể thả một con diều dài tới vài mét, mỗi chủ diều cần có vài người giúp sức. Dây diều được rải đến vài trăm mét, đợi khi những cơn gió lớn thổi đến, chiếc diều mới được thả lên không trung. Khi tất cả những cánh diều đã lên độ cao ổn định, công việc của ban giám khảo bắt đầu.

Diều làng Bá Dương Nội chỉ có dáng diều thuyền, gồm ba loại: Diều cánh muỗm, có cánh diều dài to, nhọn, hơi cong. Loại diều này có đặc tính đèo được nhiều sáo, dễ lên cao. Diều cánh chanh có cánh bầu hình như lá chanh, loại này bay cao hơn diều cánh muỗm. Loại thứ ba là diều cánh mộc, tức là cánh rộng, đầu cánh tròn, diều này đèo ít sáo nhưng lại bay rất cao. Khi dự hội, người ta chủ yếu làm diều cánh chanh, có khả năng đón gió tốt, nhiều con diều gần như thẳng đứng.

Có những con diều lên cao đến mức ban giám khảo phải dùng ống nhòm mới quan sát được. Ðiển hình như chiếc diều của anh Phạm Văn Tuyến, những lúc có đám mây đi qua, không còn nhìn thấy cánh diều. Anh cho biết, anh có thể thả diều lên đến độ cao khoảng 3.000m.

Ðồng bằng Bắc Bộ có nhiều làng diều nhưng diều Bá Dương Nội có nét đặc sắc riêng. Lễ hội thả diều ở làng diễn ra vào rằm tháng ba hằng năm gắn liền với tích ông Nguyễn Cả, một vị tướng giỏi thời nhà Ðinh. Tương truyền, tướng Nguyễn Cả sau khi cùng vua Ðinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân đã về làng Bá sinh sống. Ông không chỉ dạy người dân trồng trọt, mở mang cơ nghiệp mà còn bày cho mọi người cách chơi diều.

Theo truyền thuyết, thú chơi diều ở Bá Dương Nội đã có tuổi đời cả ngàn năm. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm cho biết: “Trước đây, để làm được một con diều, người dân tốn rất nhiều công sức. Tre để làm diều phải là tre già, thớ tre quánh lại, vừa cứng, lại vừa dẻo để chịu được sức gió, trọng lượng lại không quá nặng vì khi diều lên cao, lực cản là rất lớn. Thời điểm chặt tre cũng rất quan trọng, tre phải chặt vào mùa đông, phơi khô, rồi gác trên gác bếp cho đanh lại, tiếp đó chẻ ra và định hình khung diều. Làm sáo diều còn khó hơn. Các cụ chọn những cây tre già đến độ đã chết đứng trong bụi để làm sáo. Ngạc sáo (miệng sáo) làm bằng gỗ mít hay gỗ vàng tâm. Thân sáo và miệng sáo đều đục lỗ để gió đi qua, tạo ra âm thanh. Cứ nghe tiếng sáo thì biết là người có kinh nghiệm hay không”.

Nếu nhiều địa phương khác chú trọng hình thức cánh diều thì ở Kẻ Bá, sáo diều là yếu tố được chăm chút hơn cả. Nếu ở hội thi, người ta có nhiều yếu tố để “đọ” thì trong những đêm hè, tiếng sáo hay hay dở là yếu tố để phân định “cao thấp”. Vì thế, cứ qua mỗi mùa hè, người ta lại rút kinh nghiệm để chế ra những chiếc sáo hay hơn.

Sau ba tiếng tranh tài, đến 17 giờ, tiếng trống vang lên nhắc nhở các thí sinh thu diều. Muốn được giải, cánh diều khi hạ xuống phải còn nguyên vẹn, gồm cả phần niêm phong khi gắn sáo vào diều. Việc niêm phong nhằm tránh gian lận, khi người ta thay bộ sáo khác với khi trình diều để sáo nhẹ, diều bay cao hơn. Năm nay, giải Nhất được trao cho anh Nguyễn Sinh Tiến, cụm 4, làng Bá Dương Nội.

Người Kẻ Bá từ già bạc đầu đến trẻ lên 10 xưa nay đều mê diều. Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Mai nhớ lại: “Tôi năm nay hơn 80 tuổi thì có hơn 70 năm chơi diều. Hồi 10 tuổi, tôi đã bắt đầu tự làm được diều, học các cụ làm sáo. Bây giờ, tôi rất vui khi trong làng, các thế hệ con cháu vẫn mê diều như ngày xưa”. Ngoài phần thi chính, những năm gần đây, lễ hội còn có phần thi dành cho trẻ em. Ðiều này góp phần khuyến khích duy trì nét đẹp văn hóa làng Bá Dương Nội một cách bền vững.

Giang Nam

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 15/05/2023

Cùng chuyên mục