Non nước Việt Nam

Nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của dân tộc Nùng

Cập nhật: 26/08/2020 10:25:28
Số lần đọc: 912
Phong tục cưới hỏi của dân tộc Nùng không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống, đạo lý của dân tộc, giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Để tiến tới hôn nhân, người Nùng phải thực hiện trang trọng các nghi lễ như: “lễ so tuổi”, “dạm hỏi”, “dẫn cưới” và “lễ đón dâu”, “lễ lại mặt” và một số tục lệ khác. Trong đó “lễ cưới” là một nghi lễ đặc biệt đã lưu truyền trong đời sống người Nùng qua nhiều thế hệ. Nghi lễ này có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho sắc màu vườn hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ.

Đám cưới của người Nùng thường được tổ chức trong 2 ngày và nhiều thủ tục của lễ cưới truyền thống vẫn được duy trì. Theo phong tục, họ nhà trai phải chọn một “ông đón” và họ nhà gái phải chọn“ông đưa”. Ông đón và ông đưa đều phải là người có gia đình hạnh phúc, đủ cả hai vợ chồng, có đầy đủ con trai con gái. Khi tới trước cổng nhà gái, thì người dẫn đầu đoàn nhà trai thường hát một điệu Sli để đánh tiếng cho họ nhà gái biết. Nhà gái cử một người đại diện ra xem đã đầy đủ các lễ vật theo yêu cầu của của nhà gái  chưa rồi mới mời vào. Nhà gái nhận lễ xong thì tiến hành lễ trình báo tổ tiên. Ông thầy cúng bên nhà gái viết tên tuổi cô dâu, chú rể lên một lá bùa rồi lấy băng giấy hồng buộc lại, tượng trưng cho ông tơ bà nguyệt đã se duyên đôi lứa. Thầy cúng cầu khấn ông bà tổ tiên phù hộ cho đôi bạn trẻ hạnh phúc. Chú rể giữ được gia phong còn cô dâu giữ được nét nết na hiền thục ở nhà chồng.

Lễ cưới của người Nùng đặc sắc hơn bởi những câu hát Sli giữa phù dâu và phù rể. Họ hát những bài hát về cuộc sống hàng ngày, về tình yêu thương, về hạnh phúc của cô dâu chú rể. Cuộc hát thường kéo dài thâu đêm suốt sáng. Những buổi hát tình tứ trong đám cưới cũng là cái duyên, cái cớ để những đôi phù dâu phù rể chưa vợ chưa chồng có cơ hội quen biết, tìm hiểu lẫn nhau và có thể đi đến hôn nhân nếu hai bên cùng ưng thuận.

Phong tục cưới hỏi của người Nùng rất quan trọng. Người Nùng quan niệm chuẩn bị tốt, chu đáo mọi việc trước hôn nhân thì đám cưới của cô dâu, chú rể mới thật sự hạnh phúc. Dân tộc Nùng thường chọn thời điểm cưới vào tháng 8 cho đến tháng 10 âm lịch. Ngày nay, do cuộc sống phát triển, một số bước trong tục cưới hỏi của người Nùng được giảm bớt, và ngày cưới cũng có thể tổ chức bất cứ tháng nào trong năm nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc Nùng./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT