Non nước Việt Nam

Đặc sắc dân ca của người Mông

Cập nhật: 25/08/2020 10:38:30
Số lần đọc: 822
Cũng như các dân tộc khác, người Mông ở Tuyên Quang còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca truyền thống, để rồi vào dịp lễ, tết hay công việc trọng đại..., những làn điệu dân ca ấy lại vang lên như nhắc nhở mỗi người Mông luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.

Dân ca dân tộc Mông là thể văn vần. Nội dung các làn điệu dân ca ca ngợi về tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất, răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải... Dân ca Mông do đồng bào sáng tác và được truyền miệng từ nời này sang đời khác. Lời lẽ hết sức giản dị, chân chất, ngay cả khi nói về tình yêu:

"Đôi chúng ta

Đứng trên bờ ruộng

Vỗ cánh cho đẹp

Bay đến ao to

Bay đến ao lớn

Cùng nhau đi chơi..."

Hoặc khi bị người con gái trách cứ chàng trai vì sao lâu không đến thăm thì lời thanh minh của chàng trai cũng thật thà, chất phác:

"Tháng giêng nhớ mà không đến được

Tháng hai lại muốn đi phát nương

Tháng ba muốn về lại làm ruộng, làm nương

Tháng tư mạ già, tháng năm cấy..."

Và đằng sau lời giải thích đầy thuyết phục ấy còn hé lộ cho người con gái thấy bản tính cần cù, chịu khó của chàng trai. Đó chính là người đàn ông có thể là chỗ dựa vững chãi cho người con gái sau này.

Những lời răn dạy của người Mông thông qua câu hát dân ca thường hết sức tinh tế, nhẹ nhàng. Khi muốn nhắc người con gái Mông về nghề thêu truyền thống, họ dành lời ca ý nhị:

"Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu

Gái xinh không biết cầm kim là hư"

Người Mông thường đánh giá tài năng, vẻ đẹp của phụ nữ qua khả năng thêu trang phục truyền thống được mặc trong chính ngày cưới của cô gái đó. Vì vậy, bé gái Mông mới lên 9-10 tuổi đã được các bà, các chị dạy thêu thùa. Và từ những câu dân ca mộc mạc này mà phụ nữ dân tộc Mông hiểu hơn về trang phục truyền thống và biết cách gìn giữ báu vật của tổ tiên:

"Lớn lên em theo mẹ tập thêu

Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên áo mới".

Với người đàn ông dân tộc Mông, ngay từ bé đã được dạy về tính tự lập và công to, việc lớn phải gánh vác:

"Lớn lên anh theo cha đi cày nương

Theo anh vào rừng săn thú".

Và ý thức phải trở thành trụ cột cho gia đình cứ từ từ ngấm vào chàng trai Mông qua làn điệu dân ca, để rồi khi trưởng thành, chàng trai đều phải cố gắng thực hiện cho được bổn phận, trách nhiệm của người đàn ông.

Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, song làn điệu dân ca vẫn được người Mông gìn giữ từ đời này qua đời khác và trở thành cẩm nang răn dạy các thế hệ con cháu./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT