Giữ gìn thanh âm của pí Thái ở Điện Biên
Nghệ nhân Quàng Văn Hom bên những cây pí do ông chế tác.
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng nghệ nhân Quàng Văn Hom nằm ẩn mình dưới chân đồi, hướng mặt ra quốc lộ. Trong không gian ấm cúng của ngôi nhà sàn truyền thống người Thái, ông Hom treo rất nhiều ảnh, các loại giấy khen, đó là kỷ niệm những lần ông mang tiếng pí Thái đi ngân nga trên khắp các sân khấu từ Tây Bắc đến Thủ đô Hà Nội... Bê từ buồng ra chiếc hộp hình trụ to, bên trong cất giữ những cây pí gia truyền, nghệ nhân Hom lấy hơi thổi liền hai giai điệu bằng cây pí pặp và pí lắm văn. Đó là những giai điệu quen thuộc và nằm lòng với mỗi nam thanh niên dân tộc Thái khi đến tuổi đi tìm hiểu bạn đời.
Theo lời ông Hom, pí là loại nhạc cụ hơi, được làm từ ống giang, ống nứa lấy trên nương, đồi và trong các khu rừng, nơi có đồng bào Thái sinh sống. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái, cây pí có vai trò rất quan trọng và linh hồn của nó chứa đựng trong 5 loại pí, với 36 giai điệu để gửi gắm những ý tứ khác nhau của con người. Ông Hom chỉ cho chúng tôi cách phân biệt từng loại pí. Nếu pí láo nọi được chế tác với 6 nốt nhạc, khi thổi âm thanh réo rắt, vui tươi, để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, thì pí láo luông có 7 nốt để ngân lên những âm thanh trang trọng, sử dụng trong các nghi lễ truyền thống. Pí lắm văn, pí pặp để thổi những giai điệu ngân nga, thanh thoát khi chàng trai đi hẹn hò, tỏ tình với cô gái mình thương. Cuối cùng pí pếu, tuy có một nốt nhưng âm thanh lại thảng thốt để những người đàn ông sử dụng khi đi săn bắn thú rừng...
Hơn 60 năm dành trọn tình yêu với cây pí Thái, ông Hom không bao giờ quên kỷ niệm lần đầu tiên được mời tham gia hòa tấu các nhạc cụ dân tộc truyền thống tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 2015. Ông kể: “Hôm đó, tôi biểu diễn độc tấu pí pặp. Khi tiếng pí ngân lên, cả hội trường hàng trăm người bỗng lắng lại... Kết thúc giai điệu, tiếng vỗ tay rào rào làm tôi rất xúc động và thêm tự hào về âm nhạc truyền thống của dân tộc mình”.
Năm nay, nghệ nhân Quàng Văn Hom đã bước sang tuổi 76. Dù tuổi cao, song nghệ nhân này vẫn miệt mài chế tác, tấu lên những thanh âm thổn thức và đầy hy vọng về sự trường tồn của loại nhạc cụ truyền thống dân tộc. Ông có lẽ cũng là một trong những nghệ nhân cuối cùng của dân tộc Thái ở Điện Biên còn nắm giữ nguyên vẹn những làn điệu nhạc cổ và bí quyết chế tác các cây pí. Làm sao để nét văn hóa cổ truyền không bị mai một khi mà lớp trẻ bây giờ không còn nhiều người mặn mà học cách chế tác và kiên trì chơi pí? Đó là trăn trở và cũng là động lực thôi thúc ông Hom hằng ngày nỗ lực tìm cách truyền dạy cho con, cháu. Trong 6 người con của nghệ nhân Hom, duy nhất người con thứ 3 là anh Quàng Văn Dũng được cha “tiên đoán” có tố chất và gửi gắm niềm tin người kế nghiệp. Kiên trì theo cha, anh Dũng được truyền dạy cách thổi các loại pí bài bản, từ cách lấy hơi, nhả hơi hòa nhịp với từng ngón tay để thổi được những đoạn nhạc dài, khó và chuẩn âm điệu. Hiện nay, anh Dũng còn khơi dậy đam mê, dạy lại cách chơi pí cho nhiều bạn trẻ cùng chung ước muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.