Non nước Việt Nam

Nhà giáo về hưu gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát ca trù Chanh Thôn

Cập nhật: 20/08/2020 08:57:03
Số lần đọc: 854
  “Dù có khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng sẽ cố hết sức mình để lưu giữ những nét đẹp ca trù đất Chanh Thôn”, đó là lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Ngoan, người giáo viên về hưu đang gắng sức gìn giữ, duy trì và phát triển nghệ thuật hát ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên, Hà Nội).


 Sinh hoạt hát ca trù Chanh Thôn ở xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. (Ảnh: NM)

Lớn lên cùng làn điệu “tom tom, chát chát”...

Từng được mệnh danh là “địa chỉ đỏ” lưu giữ và phát triển nét đẹp ca trù, đến nay, làn điệu ca trù Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn giữ được gần như nguyên vẹn “vốn cổ, lời xưa”. Để bảo tồn những giá trị quý báu đó, có những con người luôn nhiệt huyết và quyết tâm truyền lửa. Tiêu biểu đó là bà Nguyễn Thị Ngoan, một nhà giáo về hưu, đã và đang góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa nghệ thuật hát ca trù cổ ở Chanh Thôn.

Ghé thăm vùng đất phía Nam Thủ đô, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Ngoan, ở xóm 2, Chanh Thôn, xã Nam Tiến. Nụ cười niềm nở, bước đi nhanh nhẹn, chúng tôi được bà tiếp đón trong khuôn viên rợp bóng cây xanh. Nhâm nhi tách trà, bà chia sẻ với chúng tôi rất nhiều điều thú vị về làn điệu ca trù “có một không hai” ở đất Chanh Thôn.

“Thích lắm, say lắm” là bốn từ diễn tả cảm xúc của bà Ngoan đối với ca trù. Vốn sinh ra trên mảnh đất gắn liền với làn điệu “tom, chát” nên tình yêu ca trù trong bà như được nhen nhóm từng ngày. Là một giáo viên dạy văn, bà Ngoan vẫn luôn giữ trong mình niềm say mê đối với bộ môn nghệ thuật hát ca trù. Đến nay, khi đã về hưu, bà luôn trăn trở một điều, phải làm sao để duy trì nghệ thuật hát ca trù cổ của quê hương. Bởi hát ca trù bình thường đã khó, để hát đúng theo làn điệu cổ xưa của cha ông thì còn khó hơn rất nhiều.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ánh mắt của bà Ngoan như sáng ngời lên khi nhắc đến nét đẹp văn hóa hát ca trù của quê hương mình. Giống như các loại hình nghệ thuật khác, ca trù Chanh Thôn trải qua nhiều thăng trầm gắn với những dấu mốc quan trọng. Phát triển từ cuối thế kỉ 18, khi đó, ca trù là một sân chơi nghệ thuật và cũng là “nghề mưu sinh” của người dân ở Chanh Thôn. Bà Ngoan chia sẻ, trước đây chỉ những gia đình nào có điều kiện mới có thể cho con cái theo học hát ca trù. Những người hát ca trù giỏi, đoạt giải trong các hội thi đều nhận được những phần thưởng rất giá trị, đủ để họ trang trải, thậm chí là làm giàu cho gia đình. Dần dần, những giáo phường, quán ca được mở ra nhiều hơn trên mảnh đất Chanh Thôn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Tất cả những ai say mê với ca trù đều tụ họp về đây, để cùng nhau học hỏi và luyện tập. Từ đó, làng Chanh Thôn trở thành một giáo phường ca trù cổ, nức tiếng thời bấy giờ. Kể từ sau năm 1945, cả làng Chanh Thôn có 18 kép đào, 32 ca nương và rất đông các quan viên đánh trồng chầu. Đây cũng chính là giai đoạn cực thịnh của nghệ thuật hát ca trù ở Chanh Thôn, làm xuất hiện nhiều nghệ nhân nổi tiếng cho đến mãi sau này.

Tuy nhiên, giống như những loại hình nghệ thuật dân gian khác, qua các thời kì, ca trù cũng gặp phải không ít khó khăn. Chứng kiến ca trù Chanh Thôn cứ lay lắt trong niềm nuối tiếc và nhanh chóng đi vào lãng quên, bà Ngoan lại càng trăn trở.

Trăn trở lưu giữ ca trù Chanh thôn...

Với niềm đam mê và tình yêu dành cho ca trù, bà Nguyễn Thị Ngoan đã không ngừng nỗ lực để góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị truyền tống của ca trù Chanh Thôn. Rời bục giảng năm 2005, từ đó đến nay, gần 15 năm liên tục, bà Ngoan đã dành hầu hết thời gian, tâm huyết để “chăm nom, nuôi dưỡng” ca trù. Mọi sự cố gắng, kiên trì đó đã được đền đáp khi ca trù Chanh Thôn được Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát hiện, khảo sát và đánh giá “là vật báu quốc gia”.

Bà Ngoan chia sẻ: “Nghề chính của tôi là dạy học, bản thân hát không được hay, thế nhưng tôi luôn mong muốn được làm gì đó để lưu giữ nét đẹp ca trù của cha ông. Thời điểm về hưu là một dấu mốc quan trọng để tôi có thể cống hiến sức mình cho quê hương”. Nhận thấy trách nhiệm của một người con sinh ra và lớn lên bên làn điệu ca trù cổ “độc nhất Hà Thành”, năm 2008, bà Ngoan khởi xướng và cùng một số người thành lập Câu lạc bộ (CLB) ca trù Chanh Thôn với sứ mệnh duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật đang bị mai một. Được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương và các thành viên trong hội, bà Ngoan làm Chủ nhiệm CLB. Từ đó đến nay, bà luôn phấn đấu làm tròn trách nhiệm của mình.

Những ngày đầu thành lập, CLB đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của bà con địa phương. Không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, chỉ cần có niềm yêu thích đều có thể tham gia, luyện hát từ đơn giản đến nâng cao do chính các nghệ nhân gạo cội đứng lớp như: Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Thị Khướu, ông Nguyễn Văn Vằng... Để lớp học thực sự hiệu quả, bằng sự khéo léo của một nhà giáo, bà Ngoan đã thuyết phục các nghệ nhân trong thôn tham gia dạy hát miễn phí cho các học viên. Cứ 3 buổi tối/tuần, người ta lại thấy, ở Nhà văn hóa thôn sáng bừng ánh điện và ngân vang những câu hát ca trù. Bên cạnh đó, hằng năm, bà Ngoan đề xuất và đứng ra tổ chức thành công các hoạt động liên hoan văn nghệ ca trù trong thôn để khích lệ tinh thần các học viên và cũng là cơ hội tìm kiếm nhân tố có giọng hát tốt, truyền cảm.

Là người có nhiều thập kỷ gắn bó với ca trù Chanh Thôn, Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Thị Khướu cho biết: “Khoảng thời gian ca trù Chanh Thôn bị mai một, bà Ngoan đã mạnh dạn, quyết đoán đứng lên đề xuất, thành lập CLB. Nhờ vậy, ca trù đã dần khôi phục lại được những giá trị văn hóa truyền thống. Các hoạt động của CLB được tổ chức thành công là nhờ vào đóng góp rất lớn của bà Ngoan”.

Tuy nhiên, có những giai đoạn bà Ngoan gặp không ít khó khăn. Theo thời gian, lượng người tham gia CLB ngày một ít đi. Bà Ngoan chia sẻ: “Nhiều bà con trong thôn lớn tuổi và bận bịu công việc mưu sinh nên không theo học thường xuyên đã xin rút khỏi CLB. Những cháu có năng khiếu nhưng bận học hành nên cũng không có nhiều thời gian tham gia”. Vậy là, trong CLB từ hơn trăm người giờ chỉ còn hơn hai chục người. Hiện nay, thành viên trẻ nhất là 9 tuổi và già nhất là 93 tuổi. Số lượng thành viên ít hơn, số buổi sinh hoạt cũng vì thế mà giảm xuống còn 1 buổi/tuần. Kể từ đó, bà Ngoan lại cần mẫn đạp xe đến từng nhà, vận động các cháu thiếu nhi, thanh niên tham gia CLB. Cuối mỗi buổi, bà lại tổ chức liên hoan bánh kẹo để động viên tinh thần các cháu... Ca trù là loại hình nghệ thuật mang tính trừu tượng nên kén người nghe. Chính vì thế, bản thân ca nương, kép đàn phải thực sự nỗ lực, thể hiện trọn vẹn thần thái của tác phẩm nghệ thuật mới thu hút được khán thính giả. Đây cũng chính là một khó khăn, thử thách đối với người thầy truyền lửa cho học trò qua lời ca tiếng hát.

Khó khăn là thế nhưng bằng sự kiên định của bà Ngoan, CLB đã mang về những thành tích đáng tự hào. Những ca nương trưởng thành, tham gia nhiều liên hoan ca trù và giành được giải cao. Cũng từ đây, các ca nương nhí được phát hiện và bồi dưỡng như các cháu: Nguyễn Thủy Tiên, Nguyễn Khánh Ly, Trần Thị Dung, Nguyễn Thị Thu Phương... Đây là tín hiệu đáng mừng khi các cháu gắn bó với nghệ thuật dân gian và cũng là sự thành công của CLB khi đào tạo ra những ca nương, kép đàn giỏi, đáng quý. Các cháu là thế hệ sẽ kế thừa và tiếp nối giá trị văn hóa nghệ thuật ca trù Chanh Thôn trong tương lai. Đó chính là tâm nguyện của bà Ngoan, người luôn trăn trở lưu giữ và truyền lửa ca trù cổ đất Chanh Thôn.

Gần 15 năm qua, nhà giáo về hưu Nguyễn Thị Ngoan đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và bảo tồn giá trị nghệ thuật ca trù dân gian. Ghi nhận sự cố gắng, tâm huyết của bà, năm 2019, bà Ngoan vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng bằng khen “Người tốt việc tốt”. Song, như lời bộc bạch của bà Ngoan, “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi chính là sự hồi sinh của ca trù Chanh Thôn; là tình yêu ngày càng lớn của người dân địa phương đối với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này”./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT