Ngành du lịch đã sẵn sàng để mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế
Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực hàng không, du lịch, y tế, ngoại giao.
Nhiều chuyên gia cho rằng các yếu tố cả khách quan và chủ quan đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để mở lại đường bay quốc tế.
Chia sẻ tại tọa đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng đây là “thiên thời, địa lợi để mở lại đường bay quốc tế”. Ông Đạt phân tích, trên phương diện kinh tế, việc mở lại đường bay quốc tế phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng ứng phó với các đợt bùng phát mới có thể xảy ra. Dù không thể chắc chắn bao giờ dịch kết thúc nhưng một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố.
Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4, tác động rất lớn về y tế và kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin ở Việt Nam đạt tỷ lệ khá cao, về nền tảng y tế dự phòng và chống dịch, Việt Nam đã đạt được mức độ tiêm chủng tương đương các nền kinh tế phát triển. Ông Đạt nhấn mạnh “Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục”.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ngày 8/11 Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn 1 triển khai từ quý I/2022, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam (trừ khi có các yêu cầu của cơ quan thẩm quyền về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Đối tượng là công dân Việt Nam và người nước ngoài. Thị trường khai thác là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia. Đây là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có “hộ chiếu vắc-xin” từ quý II/2022. Và giai đoạn 3 khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tuỳ thuộc vào diễn biến dịch và tỉ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai từ quý III/2022.
Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính nhu cầu cuộc sống, để tái lập các chuyến bay vì nhiều mục đích khác nhau như: thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu thị trường, ngoại giao…, ông Cường nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, việc phục hồi và kích hoạt trở lại hoạt động của ngành du lịch hiện nay quan trọng nhất là thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới. Hiện toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch quốc tế góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tránh chậm chân so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Phó Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục Du lịch xác định mở ra phải an toàn, an toàn đến đâu, mở ra đến đó. Mở lại hoạt động du lịch quốc tế trên tinh thần ưu tiên đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giải quyết mọi tình huống phát sinh để có kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo, từ đó tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch. Hiện nay, Tổng cục Du lịch cũng đang triển khai các chương trình truyền thông để xúc tiến, quảng bá rộng rãi đến du khách, để từng bước mở cửa du lịch.
Tốc độ tiêm chủng nước ta hiện nay là 2 triệu mũi vắc-xin/ngày là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Với phương châm chống dịch thay đổi từ Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt thì việc mở cửa bầu trời là hoàn toàn phù hợp.
Đại diện Vietnam Airlines, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển bày tỏ, các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang rất mong chờ. Tất cả các hãng hàng không đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục đóng cửa sẽ không có thị trường, đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp có nguy cơ biến mất. “Việc chúng ta chậm mở cửa đường bay quốc tế trở lại cho khách du lịch sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh điểm đến của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Trung nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các chính sách liên quan đến “hộ chiếu vắc-xin”, thủ tục cấp thị thực, quy định về cách ly y tế, bảo hiểm du lịch, giá vé hàng không, lộ trình và điều kiện để mở cửa đường bay quốc tế… Các đại biểu đều thống nhất trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đủ điều kiện để sớm mở lại đường bay quốc tế trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời giúp cho hoạt động du lịch, hàng không từng bước phục hồi trong điều kiện bình thường mới.
Trung tâm Thông tin du lịch