Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển Du lịch Thủ đô an toàn, thân thiện, hấp dẫn
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Trong giai đoạn vừa qua, ngành du lịch Thủ đô tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy, với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường; Rà soát, bổ sung quy hoạch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, liên kết phát triển du lịch đều được ngành Du lịch Thủ đô nỗ lực đầu tư, thực hiện quyết liệt, tích cực và đồng bộ.
Trong đó, hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được đổi mới mạnh mẽ, nhất là chương trình hợp tác chiến lược giữa Hà Nội và kênh truyền hình quốc tế CNN đã có những tác động tích cực trong việc giới thiệu và tạo ấn tượng với khán giả, du khách và các nhà đầu tư về hình ảnh Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách từ các thị trường có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.
Nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào phục vụ nhân dân và du khách như không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa phố Phùng Hưng, không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ. Hà Nội dần trở thành địa điểm tổ chức các hội nghị, sự kiện tầm cỡ quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, các giải thể thao quốc tế... qua đó đã giúp Hà Nội dần khẳng định vị thế, thương hiệu của một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Thủ đô Hà Nội được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, bình chọn nằm trong top các điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới, đồng thời nhận nhiều giải thưởng và đề cử danh giá như: Hà Nội trong hai năm 2018, 2019 được vào danh sách các Thành phố bình chọn “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA)”. Năm 2019, 2020, Hà Nội tiếp tục có mặt trong các bảng xếp hạng về du lịch uy tín, đứng thứ 15/25 điểm đến hàng đầu thế giới do du khách bình chọn trên trang web TripAdvisor.
Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội Đặng Hương Giang, giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng khách du lịch bình quân đến Hà Nội đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước. Tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm, đến năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng. Năm 2019, ngành du lịch đã đóng góp 12,54% vào GRDP của TP. Hà Nội.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Thủ đô đã gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại rất lớn, các chỉ tiêu phát triển du lịch năm 2020 đều sụt giảm mạnh: khách du lịch giảm 70%, tổng thu từ khách du lịch giảm 73%, công suất bình quân khối khách sạn giảm 38% so với năm 2019, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động.
Thực trạng trên cho thấy du lịch Hà Nội vẫn còn những điểm yếu về phát triển bền vững, sự thích ứng nhanh trước những thử thách, sản phẩm du lịch tuy đa dạng nhưng còn thiếu sự hấp dẫn và tính cạnh tranh…
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao những kết quả tích cực mà du lịch Hà Nội đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2019 (Ảnh: TITC)
Đánh giá cao những kết quả tích cực mà du lịch Hà Nội đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2019, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, có vai trò hết sức quan trọng trong ngành du lịch. Du lịch đã tạo ra nhiều việc làm, góp phần bảo tồn phát triển di sản văn hóa, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Tổng cục trưởng đề nghị, trong giai đoạn tới, du lịch Hà Nội cần tập trung vào các nhóm giải pháp để đáp ứng tiêu chí Du lịch Thủ đô an toàn, thân thiện, hấp dẫn, bao gồm: (1) Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của ngành, cần có đánh giá nhìn nhận du lịch trong cơ cấu ngành kinh tế của đất nước, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường; (2) Tạo ra sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm đã có. Hà Nội là thành phố nghìn năm lịch sử, có nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc, vì vậy cần khai thác các giá trị văn hóa tạo ra các sản phẩm đặc sắc, mang tính đặc thù văn hóa Thủ đô. Du lịch cần kết hợp với văn hóa để tạo ra những chương trình nghệ thuật đặc sắc, thu hút khách du lịch; (3) Đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tới những thị trường tiềm năng, phát huy những loại hình sẵn có như du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch ẩm thực...; (4) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch, ban hành những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp rất cụ thể, chi tiết; (5) Tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Cần xác định đây là xu thế tất yếu, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, doanh nghiệp; (6) Đẩy mạnh hợp tác công tư; (7) Tập trung đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những lực lượng nòng cốt để xây dựng, phát triển du lịch Thủ đô.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TITC)
Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành cùng du lịch cả nước, đặc biệt là Hà Nội để vượt qua những khó khăn, thách thức, góp phần phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để thúc đẩy phục hồi du lịch vượt qua khó khăn do dịch bệnh, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL ban hành một số văn bản, trong đó có Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8 về Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 7/9 về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành với 6 giải pháp trọng tâm nhằm phục hồi ngành Du lịch một cách nhanh và bền vững hơn. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cũng đã tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, góp ý cho sự phát triển du lịch Thủ đô, trong đó có định hướng lại thị trường khách du lịch; quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống sản phẩm du lịch; đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực; phát triển du lịch cộng đồng…
(Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch