Ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: TITC)
Du lịch Việt Nam hoàn thành mục tiêu đón 12,5 triệu khách quốc tế
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, xung đột xảy ra ở một số khu vực. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu phục hồi ở mức gần 90% so với thời điểm trước dịch, tuy nhiên khu vực châu Á phục hồi chậm nhất, chỉ đạt mức 62%. Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội có xu hướng phục hồi tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cục Du lịch sắp xếp lại về tổ chức bộ máy thành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2023. Trong bối cảnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy các hoạt động quản lý lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, truyền thông xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số.. qua đó cùng toàn ngành đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Trong đó, nổi bật là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu, kiến nghị đổi mới chính sách thị thực và xuất nhập cảnh. Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết về thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ và nâng thời hạn tạm trú cho các nước được miễn thị thực đơn phương lên 45 ngày.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chủ trì 2 hội nghị lớn về du lịch là Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3/2023 và Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11/2023. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TITC
Những nỗ lực của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đóng góp vào thành công chung của ngành du lịch trong năm 2023: đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023.
Với những thành tựu đã đạt được, ngành du lịch Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín với 19 giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng. Trong đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 5 trở thành ”Điểm đến hàng đầu châu Á”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”. Cũng tại đây, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.
Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động trong cả nước tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi cả hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tăng cường liên kết triển khai các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch.
Cục trưởng nhấn mạnh, Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng nhằm phân tích đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất, chia sẻ về những giải pháp mới, đưa ra phân tích, dự báo tình hình du lịch trong nước, quốc tế... để đưa du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Trình bày báo cáo tổng kết tại hội nghị, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết năm 2023 Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung vào công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thông qua các nhiệm vụ tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành, nhiệm vụ trình Bộ ban hành; hoàn thành các nhiệm vụ cam kết với Bộ trưởng. Tập trung triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ sau khi ban hành. Triển khai tốt các nhiệm vụ chuyên môn trong công tác quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú. Khắc phục khó khăn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác quốc tế. Triển khai có hiệu quả hoạt động truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch. Thực hiện việc sắp lại tổ chức bộ máy của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ.
Với sự phục hồi của hoạt động du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quay trở lại thị trường và đăng ký mới tăng mạnh, số lượng hướng dẫn viên gia nhập thị trường lao động tăng thêm, cũng như có nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4-5 sao được đưa vào hoạt động. Cụ thể, đến hết năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1.027 doanh nghiệp so với năm 2022. Về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố đã cấp mới 10.004 thẻ, đưa tổng số hướng dẫn viên du lịch trong cả nước lên con số 37.331. Về cơ sở lưu trú du lịch, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu trình bày báo cáo tổng kết. Ảnh: TITC
Nhiều địa phương có lượng khách tăng trưởng mạnh trong năm như: Hà Nội ước đón 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022; Bà Rịa-Vũng Tàu ước đón hơn 14 triệu lượt khách, tăng 15,27%; Thanh Hóa ước đón 12,4 triệu lượt khách, tăng 12,5%; Khánh Hoà ước đón hơn 7 triệu lượt khách, tăng 170%; Quảng Nam ước đón hơn 7,5 triệu lượt khách, tăng 1,6 lần; Quảng Bình ước đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 2,14 lần; Bình Thuận ước đón 8,35 triệu lượt khách, tăng 45,98%; Quảng Ninh ước đón 15,56 triệu lượt khách, tăng 30,9%; Đà Nẵng ước phục vụ hơn 7,39 triệu lượt khách có lưu trú, tăng gấp 2 lần; Lâm Đồng ước đón 8,65 triệu lượt khách, tăng 15,3%.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, khu vui chơi giải trí đã phục hồi và khởi sắc trở lại, đặc biệt trong những dịp cao điểm nghỉ lễ, tết. Một số doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu đã ghi nhận lượng khách đăng ký mua, sử dụng dịch vụ vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Ngành du lịch phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024
Tuy đã có sự phục hồi đáng kể trong năm 2023 nhưng bước sang năm 2024, ngành du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng; xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn… Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế nhưng đi cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.
Với những phân tích, dự báo đó, năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Hội nghị đã lắng nghe ý kiến trao đổi của các đại biểu về các giải pháp thúc đẩy công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch...
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của ngành du lịch trong năm 2023.
Đặc biệt, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã rất chủ động trong công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách cho du lịch. Trong đó nổi bật là đã tham mưu trúng, đúng Lãnh đạo Bộ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên chủ trì 2 hội nghị toàn quốc về du lịch trong một năm. Kết quả là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành đã tích cực tham mưu về chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch. Quốc hội, Chính phủ đã thông qua chính sách mới về cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, chính sách nâng thời hạn tạm trú cho các nước được miễn thị thực đơn phương lên 45 ngày. Đây là chính sách rất quan trọng để tạo bước đột phá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TITC
Một điểm nổi bật nữa là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ về dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện quy hoạch du lịch các vùng miền, địa phương trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Công tác quản lý nhà nước năm 2023 đã được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tăng cường thông qua tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát ở nhiều địa phương về việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh lữ hành, hoạt động hướng dẫn viên, đảm bảo chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú du lịch. Qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, nêu ra hướng khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc nghiên cứu phát hiện điểm nghẽn về pháp luật để phát triển du lịch, truyền thông chính sách...
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ trưởng yêu cầu Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch... theo quy định đã được phân cấp theo chức năng nhiệm vụ của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tuyển công chức bổ sung đủ số lượng chỉ tiêu.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ.
Trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quyết tâm nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2024, đưa ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển bền vững như mục tiêu đã đề ra.
Trung tâm Thông tin du lịch