Tin tức - Sự kiện

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp 3,5 lần năm 2022

Cập nhật: 29/12/2023 14:59:41
Số lần đọc: 688
(TITC) - Tháng 12/2023 ngành du lịch Việt Nam đón 1,37 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung cả năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, vượt 57% mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu sau điều chỉnh (12-13 triệu lượt).

Xu hướng số lượng khách quốc tế qua các tháng là tăng dần đều, thể hiện xu hướng đang phục hồi về khách quốc tế. Đáng chú ý, 6 tháng cuối năm 2023 đều có trên 1 triệu khách đến Việt Nam, trong đó tháng 12 đạt lượng khách cao nhất với 1,37 triệu lượt.

Biểu đồ 1. Khách quốc tế theo tháng, năm 2019, 2022 và 2023 (nghìn lượt)

\Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê

Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong năm 2023 với gần 3,6 triệu lượt (chiếm 28% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đạt 1,7 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2. Tổng 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đứng vị trí thứ 3 là Đài Loan với 851 nghìn lượt. Mỹ xếp thứ 4 với 717 nghìn lượt. Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với 590 nghìn lượt.

Tiếp theo là 3 thị trường Đông Nam Á: Thái Lan (489 nghìn lượt, thứ 6); Malaysia (470 nghìn lượt, thứ 7); Campuchia (402 nghìn lượt, thứ 8). Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 9 (392 nghìn lượt); Úc xếp thứ 10 (390 nghìn). Ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam gồm có: Anh (253 nghìn lượt), Pháp (215 nghìn lượt) và Đức (200 nghìn lượt).

So với năm 2019, Nga và Anh không còn nằm trong 10 thị trường hàng đầu Việt Nam, thay vào đó là Campuchia và Ấn Độ với sự tăng trưởng đột phá trong năm qua.

Biểu đồ 2. 10 thị trường gửi khách hàng đầu năm 2023 (nghìn lượt)

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê

Một số thị trường phục hồi tích cực so với trước dịch

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 70% so với năm 2019. Xét theo châu lục, thị trường khách từ châu Úc và châu Mỹ có mức phục hồi tốt nhất (99% và 93%); châu Âu (67%) và châu Phi (63%) phục hồi chậm. Châu Á mới đạt 68%.

Biểu đồ 3. Mức phục hồi so với năm 2019, theo châu lục (%)

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê

Một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96%) Hàn Quốc (84%), Đài Loan (92%), Thái Lan (96%); Indonesia (99%). Đặc biệt, một số thị trường Đông Nam Á thậm chí đã cao hơn so với thời điểm trước dịch: Campuchia (176%); Lào (122%); Singapore (106%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có sự phục hồi ấn tượng (231%).

Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu: Tây Ban Nha phục hồi tốt nhất với 91%; Đức đạt 88%; Anh đạt 80%; Pháp đạt 75%.

Dù vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 30%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường Nga mới đạt 19% so với năm 2019. Một thị trường quan trọng khác của Việt Nam ở châu Á là Nhật Bản chỉ đạt mức 62%.

Biểu đồ 4. Mức phục hồi so với năm 2019 của một số thị trường

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ là điểm sáng trong nền kinh tế

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống kê, năm 2023 khu vực dịch vụ đạt tăng trưởng 6,82%, đóng góp tới 62,29% trong tăng trưởng chung. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. 

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong bối cảnh khó khăn chung, năm 2023 lĩnh vực du lịch, dịch vụ thực sự là điểm sáng, có sự bứt phá tích cực, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 29/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT