Ngành du lịch tìm giải pháp tận dụng tiềm năng, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch biển đảo
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình; lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Tổng cục Du lịch; lãnh đạo một số địa phương; Hiệp hội Du lịch các địa phương; các chuyên gia kinh tế, du lịch; đại diện các doanh nghiệp du lịch, cơ quan thống tấn báo chí; sinh viên khoa du lịch một số trường đại học tại Đà Nẵng.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh TITC
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, thời gian qua, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.
Chỉ tính riêng năm 2019 tổng lượt khách đến các địa phương ven biển đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. Có thể thấy rằng, du lịch biển phát triển đã có đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển.
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh TITC
Đồng thời, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Và vị thế, vai trò của phát triển du lịch biển đảo tiếp tục được khẳng định là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm tại Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ảnh TITC
Thứ trưởng cho biết, định hướng thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, thu hút khách nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với tìm hiểu văn hóa, di sản. Nghỉ dưỡng biển là hướng đi đúng đắn để khách du lịch quay trở lại nhiều lần - điều này không những góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời còn có một ý nghĩa quan trọng đối với an ninh, quốc phòng, khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển và nhận thức về chủ quyền quốc gia.
Tại phiên thứ nhất của hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.
TS Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch. Ảnh TITC
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh phát triển du lịch biển đảo Việt Nam còn nhiều thách thức, hạn chế. Đó là: Thời gian lưu trú trung bình trên biển của khách du lịch còn thấp; Tính mùa vụ còn rất cao nhất là ở miền Bắc, Du lịch biển đảo chưa phát triển như kỳ vọng; Thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch; Phân vùng chưa hợp lý ở nhiều quy mô, cấp độ.
Trong tham luận của TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh ngành du lịch cần phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí như: lướt ván, thuyền buồm, câu lạc bộ diều, cờ quốc tế, hướng tới phát triển các sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Đối với các đảo lớn, nhỏ cần đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách quốc tế.
Theo ông Vũ Duy Vũ, chuyên gia du lịch tàu biển, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist, cần phát triển hơn nữa các thị trường khách du lịch tàu biển thế giới và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt các thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Quốc; tăng cường hơn nữa các hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch Việt Nam nói chung tại các thị trường tiềm năng; xem xét thành lập chi hội du lịch tàu biển nhằm tạo sự kết nối chia sẻ thông tin; chính sách visa cần thông thoáng, cởi mở, linh hoạt hơn; tiếp tục cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách tàu biển…
Ông Nguyễn Xuân Bình - PGĐ Sở Du lịch Đà Nẵng trình bày tiềm năng du lịch biển đảo của Đà Nẵng. Ảnh TITC
Về tiềm năng du lịch biển đảo của Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng chia sẻ, thời gian qua, Đà Nẵng đã tạo dựng được thương hiệu trong nước và quốc tế với một số loại hình thể thao, vui chơi giải trí dưới nước; tổ chức nhiều sự kiện du lịch quốc tế; du lịch đường thủy nội địa được quy hoạch phát triển với 10 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa, trong đó 08 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa và 02 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo (tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn và Đà Nẵng - Cù lao Chàm) và đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy nội địa khám phá vịnh, Bán đảo Sơn Trà (tuyến Sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà và tuyến Sông Hàn - Hòn Chảo và tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn); đội tàu được đóng mới, chất lượng dịch vụ tốt đã góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Tại phiên thứ hai, dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh và Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngành du lịch các địa phương, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy du lịch biển, đảo Việt Nam.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình chủ trì phiên thảo luận về giải pháp thúc đẩy du lịch biển đảo. Ảnh TITC
Trao đổi tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, trong phát triển du lịch biển cần quan tâm đặc biệt đến bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đều có một thế mạnh riêng, bài toán đặt ra là các tỉnh, thành, khu vực cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng.
Về việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch biển đảo, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) khẳng định du lịch biển đảo không chỉ là tàu biển mà còn là du lịch nghỉ dưỡng biển, đặc biệt là nghỉ dưỡng biển cao cấp. Đồng thời, sản phẩm du lịch biển đảo còn phải gắn với văn hóa, ẩm thực Việt Nam và những sản phẩm hỗ trợ liên quan.
Đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh TITC
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị về khung pháp lý phù hợp với các địa phương cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tàu biển, cơ sở hạ tầng, chính sách đầu tư, năng lực cạnh tranh…
Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng cần có một chiến lược du lịch biển đảo với sự định hướng, dẫn dắt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cùng sự tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan, địa phương, doanh nghiệp để triển khai xúc tiến một cách bài bản, hiệu quả.
Trung tâm Thông tin du lịch