Nghệ nhân Điểu Kiêu - Người giữ “hồn làng” của đồng bào Xtiêng
Nghệ nhân Điểu Kiêu biểu diễn kèn bầu 6 ống
Thấm đẫm “hồn làng”
Sinh ra, lớn lên và đắm mình trong không gian văn hóa giàu bản sắc của cha ông mình, Điểu Kiêu, sớm được tiếp cận với các làn điệu dân ca và nhạc cụ dân tộc. Năm 18 tuổi, chàng trai Điểu Kiêu đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống, như cồng, chiêng, sáo trúc, đàn tre “dinh jút”, kèn sừng trâu, kèn bầu 6 ống… Đến nay, ông trở thành nghệ nhân trẻ nhất vùng, với vốn kiến thức phong phú, sâu rộng về văn hóa Xtiêng. Trong các mùa lễ hội của người Xtiêng tại huyện Bù Gia Mập và của tỉnh Bình Phước, nghệ nhân Điểu Kiêu tham gia biểu diễn nhuần nhuyễn nhiều loại nhạc cụ, trong đó nổi bật nhất là diễn tấu cồng, chiêng và kèn bầu 6 ống.
Theo nghệ nhân Điểu Kiêu chia sẻ, người Xtiêng ở Bình Phước có 2 nhạc cụ đặc sắc và tiêu biểu nhất là cồng (goong), chiêng (ching). Dàn cồng gồm 6 chiếc bằng và dàn chiêng gồm 5 chiếc có núm. Đây là hai nhạc cụ mang tính tâm linh, được đồng bào Xtiêng coi là vật linh thiêng nhất, có giá trị lớn trong gia đình và là bản sắc văn hóa tiêu biểu của cộng đồng.
Cồng, chiêng từ xưa đã được xem là tài sản quý giá, thước đo về sự giàu có của các gia đình, dòng họ. Để sở hữu một bộ cồng, chiêng, người ta phải đổi rất nhiều trâu, bò. Vì thế, gia đình, dòng họ nào có nhiều bộ cồng, chiêng quý không chỉ thể hiện sự giàu có mà còn thể hiện sức mạnh và vị thế cao trong cộng đồng.
Theo quan niệm của người Xtiêng, trong mỗi chiếc cồng, chiêng đều có hồn vía và thần linh trú ngụ. Các vị thần linh càng trú ngụ lâu đời thì cồng, chiêng càng linh thiêng và có sức mạnh siêu phàm. Chính vì thế, trong luật tục, người Xtiêng không cho phép ai đánh cồng, chiêng một cách tùy tiện. Bởi lẽ khi âm thanh cồng, chiêng vang lên, các vị thần linh và linh hồn tổ tiên sẽ hiện về. Vì vậy, cồng, chiêng chỉ được người Xtiêng sử dụng vào dịp lễ hội, cưới hỏi hoặc sau khi hoàn thành những công việc quan trọng như phát rừng, dọn rẫy, tỉa bắp, tỉa lúa, thu hoạch mùa màng.
Ngoài ra, cồng, chiêng cũng được sử dụng trong các nghi lễ của gia đình và phum sóc, trong những dịp tiếp khách quý... Trong các sự kiện này, âm thanh cồng, chiêng mang thông điệp báo tin mừng cho cộng đồng, sự cảm ơn của gia chủ đối với trời đất và cộng đồng. Mỗi nhịp điệu cồng chiêng vang lên có thể giúp đồng bào “thông tin trực tiếp” đến đấng thần linh, cũng là cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Nhưng, để thần linh về ngụ trong cồng, chiêng cất lời lên tiếng, trước khi mang hai nhạc cụ này ra sử dụng, người Xtiêng bắt buộc phải làm một lễ cúng rất thiêng liêng, trang trọng.
Truyền lửa cho thế trẻ
Ngoài niềm đam mê và am tường về cồng, chiêng, nghệ nhân Điểu Kiêu còn sử dụng thông thạo kèn sừng trâu (nông ke r’pu). Theo ông, trong dàn nhạc truyền thống của dân tộc Xtiêng, kèn sừng trâu là thứ nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội nông nghiệp của người Xtiêng.
Bộ kèn sừng trâu gồm 6 cái và mỗi thanh âm tương thích với từng thanh âm của bộ cồng hay bộ chiêng. Do vậy, khi diễn tấu, mỗi bộ kèn sừng trâu chỉ tương thích cho một bộ cồng hoặc một bộ chiêng. Đây chính là sự khác biệt giữa bộ kèn sừng trâu với tù và cũng được làm bằng sừng trâu của các dân tộc vùng Tây Nguyên.
Một trong những đặc điểm về sự khác biệt ấy, là lỗ thanh âm ở kèn sừng trâu của người Xtiêng được khoét ở ngay giữa sừng, nên khi thổi tạo nên những âm thanh phong phú, đa dạng hơn, nhiều cung bậc hơn tù và.
Đồng bào Xtiêng múa xoang và diễn tấu chiêng
Là người nặng lòng, tâm huyết với văn hóa dân tộc, nghệ nhân Điểu Kiêu luôn trăn trở về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống của dân tộc mình. Ông băn khoăn, hiện nay văn hóa truyền thống của người Xtiêng đang dần bị mai một theo thời gian. Dàn cồng, chiêng hay kèn sừng trâu, tiếng sáo trúc, tiếng đàn jút, những bài dân ca, những diệu dân vũ không còn mấy hấp dẫn với giới trẻ. Trong khi đó, số người biết sử dụng cồng, chiêng hay kèn sừng trâu hiện nay phần lớn đã cao tuổi và chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những nghệ nhân giỏi biết diễn tấu kết hợp cồng, chiêng với kèn sừng trâu như một dàn hợp xướng để lại càng hiếm.
Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của âm nhạc truyền thống Xtiêng trước nguy cơ mai một, nghệ nhân Điểu Kiêu đã tập hợp nhiều người trẻ trong thôn để truyền dạy âm nhạc truyền thống cho lớp trẻ. Ngoài việc giảng dạy kỹ thuật, ông luôn nhắc nhở thế hệ trẻ về tầm quan trọng của cồng chiêng đối với văn hóa dân tộc, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Ông cho rằng, giá trị của văn hóa cồng, chiêng mang đậm ý nghĩa tâm linh, nên nghệ nhân diễn tấu không chỉ thể hiện ở kỹ thuật điêu luyện mà còn phải thật tâm huyết, gửi gắm cả đức tin của mình vào thế giới thần linh. Nghệ thuật đánh cồng, chiêng đã khó, nhưng việc chỉnh chiêng còn khó hơn. Nó đòi hỏi người chỉnh không chỉ giỏi sử dụng cồng chiêng, mà còn phải thật sự am hiểu về cồng chiêng, từ đó mới có thể cảm âm, thẩm âm chính xác.
Điều đáng mừng là hiện nay, nhờ được nghệ nhân Điểu Kiêu truyền dạy, nhiều bạn trẻ người Xtiêng ở Bình Phước đã thành thạo chơi chiêng và thổi kèn sừng trâu. “Khi giới trẻ có hứng thú với nhạc cụ và văn hóa truyền thống là họ đã ý thức được việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc ấy”, nghệ nhân Điểu Kiêu phấn khởi chia sẻ.
Lương Định