Nghĩa Lộ (Yên Bái) tạo sức sống cho khèn bè
Với mục đích bảo tồn, truyền dạy chế tác nhạc cụ khèn bè, khơi dậy niềm đam mê, tình yêu đối với nhạc cụ dân tộc, góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ; đồng thời, tạo sản phẩm lưu niệm độc đáo, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước; tạo cơ sở, điều kiện quan trọng để xây dựng nghệ thuật sử dụng khèn bè dân tộc Thái trở thành di sản văn hóa, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã quan tâm mở các lớp truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè.
Đã 75 tuổi và là học viên cao tuổi nhất tham gia lớp chế tác khèn bè thứ 2 mở tại thị xã Nghĩa Lộ nhưng ông Vì Văn Ngân ở bản Ngoa, phường Pú Trạng đều đặn ngày nào cũng tham gia lớp học này tại nhà riêng của nghệ nhân Cầm Văn Hoa ở thôn Mường Chà, xã Hạnh Sơn.
"Tôi biết thổi khèn bè từ năm 8 tuổi. Với người Thái Mường Lò, đã là con trai thì phải biết thổi khèn bè mới có thể qua tiếng khèn mà bày tỏ tình cảm với người con gái mình để ý. Vì vậy, chiếc khèn bè luôn gắn liền với cuộc sống của tôi. Nay lại được học làm khèn bè thì quá tốt, mình không phải đi mua như trước nữa. Biết thổi khèn bè cũng rất thuận lợi cho tôi trong chế tác khèn, nhất là khâu thử âm, sẽ biết ngay là chiếc nào âm thanh đạt tiêu chuẩn hay chưa đạt. Sau khi học chế tác thành công khèn bè, tôi sẽ cố gắng truyền dạy cho con cháu để chúng có thể tiếp nối mình làm và biểu diễn được nhạc cụ này” - lý do đến với lớp học chế tác khèn bè của ông Vì Văn Ngân là vậy.
Tham gia lớp học chế tác nhạc cụ khèn bè thứ hai tại thị xã Nghĩa Lộ có 15 học viên là những người đam mê, hiểu biết và yêu khèn bè, biết thổi khèn bè. Truyền dạy cho các học viên là những người đã tham gia học lớp chế tác khèn bè thứ nhất do thị xã tổ chức học tập tại Sơn La trong tháng 5/2020, trong đó ghi nhận nhiều tấm lòng nhiệt huyết với việc truyền dạy này.
Đó là nghệ nhân Cầm Văn Hoa đã tạo nhiều điều kiện cho lớp học cả về địa điểm, cơ sở vật chất và nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt cho học viên kỹ thuật chế tác khèn bè.
Anh Lê Thanh Tùng - giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lý Tự Trọng là người truyền dạy trẻ tuổi nhất, ngày nào cũng có mặt tại lớp học kể cả không phải tiết dạy của mình để phụ giúp hướng dẫn cho học viên.
Anh Cầm Văn Mẳn là con trai của ông Cầm Văn Ngoan - người làm khèn bè nổi tiếng trước đây ở đất Mường Lò, cũng rất nhiệt tình tham gia hướng dẫn học viên làm khèn bè với mong muốn duy trì và kế tục nghề truyền thống của người cha quá cố của mình. Đáp lại sự nhiệt huyết của người truyền dạy là sự nhiệt tình của các học viên bằng việc tham gia đều đặn các buổi học, ngoài học trên lớp còn tự nghiên cứu ở nhà để sớm hoàn thành sản phẩm với chất lượng tốt nhất.
Lớp học chế tác khèn bè thứ hai tại thị xã Nghĩa Lộ từ ngày 26/8 - 05/9/2020. Các buổi học chủ yếu là thực hành tại gia đình người truyền giảng với phương châm cầm tay chỉ việc và học đến đâu biết đến đó; trao đổi, hướng dẫn một cách dễ nhớ, dễ hiểu.
Nhờ đó, các học viên đều tự tay làm được các công đoạn: chọn nguyên vật liệu, làm ống khèn, đặt lưỡi lam đồng, làm cửa sổ và lỗ âm thanh, sắp xếp các ống vào báng khèn bè tạo thành một chiếc khèn bè hoàn chỉnh. Kết thúc lớp học, 15 học viên đều đã tự tay hoàn thành riêng cho mình một chiếc khèn bè và phần lớn có thể tham gia biểu diễn khèn bè.
Việc mở lớp chế tác khèn bè là nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch "Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị nhạc cụ khèn bè của dân tộc thái vùng Mường Lò năm 2020” ngày 27/2/2020 của UBND thị xã Nghĩa Lộ, trong đó đề ra mục tiêu: thị xã có từ 5 - 10 người chế tác thành thạo và có khả năng truyền dạy việc chế tác khèn bè của dân tộc Thái, có 100 - 150 người thuộc mọi lứa tuổi trên địa bàn sử dụng thành thạo khèn bè. Theo kế hoạch, thị xã sẽ còn mở thêm 3 lớp sử dụng khèn bè trong thời gian tới.
Được biết, để làm tốt công tác bảo tồn khèn bè truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục phát triển các điểm du lịch cộng đồng và đón khách du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc Thái và thành lập riêng câu lạc bộ chế tác và sử dụng khèn bè; khuyến khích các nghệ nhân, người trẻ am hiểu, đam mê khèn bè truyền dạy, chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè cho thế hệ trẻ; tiếp tục đưa việc truyền dạy, chế tác, sử dụng khèn bè đến với các em học sinh có năng khiếu.
Cùng đó, thị xã cũng sẽ duy trì chương trình văn nghệ tối thứ 7 và xây dựng các đội văn nghệ nòng cốt, các đội văn nghệ phục vụ tại các homestay, trong đó chủ yếu giới thiệu về các điệu múa, điệu khắp dân gian của đồng bào dân tộc Thái bởi đây là cơ hội để sử dụng và quảng bá các nhạc cụ dân tộc Thái trong đó có khèn bè.
Thị xã cũng sẽ quan tâm quy hoạch và bố trí nhà trưng bày nhạc cụ dân tộc Thái, trong đó chủ đạo là nhạc cụ khèn bè nhằm vinh danh chiếc khèn bè xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam và trưng bày triển lãm các sản phẩm khèn bè cũng như trình diễn khèn bè, góp phần quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc và quà lưu niệm cho du khách.
Các giải pháp này là cơ sở quan trọng để thị xã tiếp tục củng cố và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nghệ thuật chế tác và sử dụng khèn bè của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò được công nhận di sản văn hóa trong thời gian tới./.