Ngôi làng hơn một thế kỷ canh giữ bảo vật vua Hàm Nghi
Cụ Lưu Văn Xân – cố đạo chủ đương nhiệm giữ gìn bảo vật.
Bảo vật vua ban
Theo chân cán bộ xã Phú Gia, chúng tôi có mặt tại nhà cụ Lưu Văn Xân (thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia) – cố đạo chủ đang canh giữ những báu vật của vua Hàm Nghi. Cụ Xân năm nay đã gần 90 tuổi, khuôn mặt hiền từ, vóc người nhỏ nhưng cụ đã trải qua 2 nhiệm kì trông giữ bảo vật.
Sau lời giới thiệu về những thành viên trong đoàn, cụ Xuân đi vào khoác lên mình bộ áo dài truyền thống màu đỏ, trang nghiêm tiến lại bàn thờ nhuốm màu huyền bí với linh ảnh vua Hàm Nghi. Cụ thắp nén hương lên bàn thờ rồi đọc bài cúng Đức Thánh Mậu Trầm Lâm, cầu nguyện cho quốc thái dân an. Sau đó, báo tên từng người đến thăm viếng, xin phép được tìm hiểu về những bảo vật của vua ban. Nói đoạn, cụ nhẹ nhàng tung hai đồng xu cổ và vui vẻ khi thấy một sấp, một ngửa.
Ông Xân giải thích: “Bảo vật vua ban không phải ai muốn cũng xem được vì phải được sự đồng ý của bề trên. Để biết bề trên có đồng ý hay không thì cố đạo chủ phải thắp nhang rồi khấn xin. Sau các nghi lễ sẽ tiến hành gieo “quẻ âm dương”; một sấp, một ngửa nghĩa là bề trên đã đồng ý, còn hai sấp hoặc hai ngửa có nghĩa là thần linh đã từ chối cho xem”.
“Bảo vật mà vua Hàm Nghi ban tặng không còn là bảo vật riêng của dân làng nữa mà của cả nước. Những người được giao trọng trách giữ gìn bảo vật đều xem đó là trách nhiệm lớn lao, là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ” - cụ Xân chia sẻ.
Ngồi tiếp chuyện, cụ Xân kể chuyện tích xưa truyền lại rằng: Vào năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi (lúc ấy mới 14 tuổi) đi ra vùng núi phía Bắc lánh nạn. Đến xã Phú Gia (huyện Hương Khê), vua Hàm Nghi dừng chân lập căn cứ địa Sơn Phòng và ban bố hịch Cần Vương lần 2 chống giặc Pháp. Khi căn cứ bị quân Pháp tấn công, vua Hàm Nghi chạy vào đền Trầm Lâm ẩn náu. Trong giấc mơ, nhà vua được Thánh mẫu báo mộng quân giặc sắp tới vây ráp, nếu không rời đi muôn dân sẽ bị sát hại. Ngay khi tỉnh giấc, nhà vua rung chuông, rung đạc mời cận thần lại để sắc phong danh hiệu “Thượng thượng đẳng tối linh thần” cho đền Trầm Lâm. Trước khi vào Quảng Bình, nhà vua tặng bảo vật quý là voi vàng, kiếm thần để cảm ơn làng Phú Gia vì phò vua, cứu nước.
Theo cụ Xân, truyền thuyết này được truyền lại cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Các thế hệ con cháu tại xã Phú Gia đều được nghe kể về những câu chuyện đạo sắc của vua Hàm Nghi. Từ già trẻ, gái trai trong xã ai cũng tự hào về báu vật vua ban và xem đó là “linh hồn” của làng xã” - cụ Xân nói.
Báu vật vua ban tại xã Phú Gia hiện còn lưu giữ 2 con voi vàng, 1 con voi đồng, 1 con nghê, 2 thanh bảo kiếm, 37 đục đạc cùng các bộ áo mũ triều thần, áo hoàng bào và 40 đạo sắc phong. Trải qua hơn 135 năm, chứng kiến hai cuộc kháng chiến khốc liệt, nạn đói, lũ lụt, nhưng báu vật vẫn được người dân Phú Gia thay nhau canh giữ và trông coi cẩn thận.
Cả làng gìn giữ bảo vật
Theo những cao niên, những báu vật này được người dân bảo tồn bằng cách cử người thay nhau canh giữ. Việc này không phải do “người trần mắt thịt” lựa chọn mà phải được “ủy thác” của bề trên. Người canh giữ báu vật gọi là cố đạo chủ, một nhiệm kỳ canh giữ kéo dài 2 năm. Theo lệ làng, vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, người dân và các cụ cao niên trong làng tổ chức lễ Hạ Keo xin bề trên ứng chứng, ứng chức chọn cố đạo chủ mới. Sau khi được thần linh ủy thác, dân làng tín nhiệm, Ban lễ nghi sẽ tổ chức lễ rước đưa bảo vật vua từ nhà cố đạo chủ cũ sang nhà cố đạo chủ mới. Người này phải bảo quản, canh giữ không được làm thất lạc.
Những bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng được người dân Phú Gia xem như “linh hồn” của làng xã.
Việc tuyển cố đạo chủ cũng rất khắt khe, ngoài là người có đạo đức, liêm khiết, cẩn trọng, am hiểu tế tự, gia đình hòa thuận, được người dân tín nhiệm thì phải sống thọ cả ông và bà. Người được chọn phải xin “quẻ âm dương” bằng cách tung hai đồng xu. Nếu một đồng xu nằm ngửa, đồng xu còn lại nằm sấp trên đĩa thì lúc đó người này chính thức trở thành cố đạo chủ.
Sau khi được dân làng tín nhiệm, thần linh ủy thác, cụ Lưu Văn Xân trở thành cố đạo chủ đương nhiệm. Nhận bảo vật, cụ cẩn thận bỏ vào két sắt rồi đặt cạnh bàn thờ. Giường ngủ cố đạo chủ cũng được đặt sát nơi cất bảo vật để trông coi. Người được chọn làm cố đạo chủ luôn phải giữ người sạch sẽ, không được xuống bếp nấu ăn, không làm việc đồng áng và phải ngủ riêng.
Theo lời ông Xân, trước đây, có cố đạo chủ nảy sinh lòng tham đã ăn trộm bảo vật đem sang Lào đổi lấy 10 con trâu. Trên đường dắt trâu về nhà, người này bị trâu húc chết. Người dân Lào nghe chuyện liền hoảng sợ đem bảo vật sang trả lại cho dân làng Phú Gia.
Trải qua hơn một thế kỷ, đã có hơn 50 vị cao niên trong làng được thần linh “ủy thác” trao chức cố đạo chủ. Bảo vật vua Hàm Nghi đang được lưu giữ ở xã Phú Gia có giá trị rất lớn về mặt kinh tế và lịch sử. Dù trải qua nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn luôn giữ gìn bảo vật, góp phần bảo vệ tốt những di tích, lịch sử, văn hóa của quốc gia, dân tộc./.
Khánh Chi