Hành trang lữ khách

''Ngôi làng'' sinh thái ở Nông trại sen Thiên Việt - Quảng Nam

Cập nhật: 27/02/2024 13:58:43
Số lần đọc: 1287
Nông trại sen Thiên Việt của chị Lê Thị Bé (thôn Hòa Nhuận, xã Duy Phước, Duy Xuyên) sau hơn một năm hoạt động, đã và đang thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan trải nghiệm. Từ khu đất hoang, chị Bé đã cải tạo thành một làng quê sinh thái mới lạ.


Du khách thích thú ckeck-in tại Nông trại sen Thiên Việt. Ảnh: H.Q

Chị Lê Thị Bé chia sẻ ý tưởng kinh doanh của mình bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên và quê hương đã thôi thúc chị trở về quê khởi nghiệp sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách. Nhìn thấy tại địa phương bỏ hoang đất lãng phí, chị Bé quyết định thuê lại từ UBND xã và quyết tâm tái hiện vùng quê xưa qua mô hình du lịch này.

Với khoảng hơn 200 triệu đồng đầu tư, chị Bé đã thuê xe múc, nhân công, xây chòi, đường xá, cây cối, trang trí và cải tạo hồ sen để tạo nên một không gian du lịch sinh thái mát mẻ với diện tích trên 1ha.

Những hoạt động trải nghiệm như hái sen, câu cá, ướp trà, check-in và chụp ảnh đã thu hút hàng chục lượt khách mỗi ngày, đặc biệt là những du khách nước ngoài yêu thích thiên nhiên và muốn khám phá văn hóa nông thôn Việt Nam.

Vào thời điểm tháng 5 là mùa thu hoạch sen, chị Bé tận dụng cả hoa và lá để làm trà. Ảnh: H.Q

Mô hình hoạt động chạy thử trong năm 2023 khá ổn nên Lê Thị Bé quyết định thu phí trải nghiệm từ du khách trong năm nay. Tuy nhiên, chị chỉ thu phí nước uống và cà phê, nhằm tạo cơ hội cho mọi người trải nghiệm mà không gặp rào cản tài chính.

Chị chia sẻ: "Tôi muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm gần gũi nhất với cuộc sống vùng quê Việt Nam. Nơi có cánh đồng, hồ sen, những cây cầu tre, cầu khỉ, giàn bí, giàn bầu và các cây hoa màu của những người nông dân như là một hành trình quay lại với ký ức tuổi thơ trong mỗi người Việt".

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp không tránh khỏi những khó khăn. Chị Bé phải đối mặt với rào cản về quyền sử dụng đất, nhiều người dân không đồng tình cho chị xây dựng do lo sợ ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt nơi đây. Thêm vào đó là nguồn tài chính eo hẹp khiến chị phải vay thế chấp và nhờ sự hỗ trợ từ người thân để thực hiện mô hình này.

Sản phẩm thủ công của thanh niên khuyết tật từ mô hình handmade Duy Xuyên được chị Bé bày bán tại nông trại. Ảnh: H.Q

Tuy vậy, nhờ vào vẻ đẹp tự nhiên, Nông trại Sen Thiên Việt thu hút được nhiều người đến trải nghiệm. Thông qua việc trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm làm thủ công như chậu hoa handmade từ kẽm nhung, chậu hoa bằng giấy, nhựa... nông trại này đã hỗ trợ thiết thực cho nhiều thanh niên khuyết tật tại địa phương.

Ông Lê Hai - Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, mô hình Nông trại sen Thiên Việt còn mới, khu vực diện tích chị Bé đang đầu tư mùa mưa thì ngập, mùa nắng thì chị trồng sen và làm trà sen cho khách tham quan trải nghiệm, thưởng thức. Mô hình mới hoạt động trong 1 năm nay nên chưa có lợi nhuận gì.

Chị Bé đặt kế hoạch mở rộng không gian, trồng thêm các loại cây và trang trí lại các nhà chòi cho phong phú và sinh động. Ảnh: H.Q

Bước đầu khởi nghiệp, Nông trại sen Thiên Việt của Lê Thị Bé mong muốn vừa mang lại giá trị cho cộng đồng vừa bảo tồn văn hóa quê hương, thông qua việc tái hiện bức tranh thanh bình của làng quê nông thôn xứ Quảng.

Ng.Quỳnh - Ph.Hải

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 24/02/2024

Cùng chuyên mục