Hành trang lữ khách

Những điểm đến hấp dẫn ở thành phố Kon Tum

Cập nhật: 20/02/2024 14:28:38
Số lần đọc: 1083
Những năm sau ngày giải phóng, từ một thị xã nhỏ bé bên bờ sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum giờ đã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, một trong 2 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đặc biệt, thành phố Kon Tum có nhiều điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn đã và đang thu hút du khách gần xa.

Thành phố Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp, điều kiện tự nhiên với khí hậu gió mùa cao nguyên đặc trưng, sự đa dạng của địa hình, thổ nhưỡng, đồng bào DTTS, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng. Chính vì vậy, nơi đây là vùng đất hội tụ đa sắc màu văn hóa, nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Thành phố hiện có nhiều công trình mang nét kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu của đồng bào DTTS tại chỗ như hệ thống nhà rông, nhà mồ tại các làng đồng bào DTTS tại chỗ; một số địa danh, địa điểm nổi tiếng khác như Ngục Kon Tum, Đình Võ Lâm, Đình Trung Lương, Chùa Tổ Đình Bác Ái, Nhà thờ gỗ Chính Tòa Kon Tum, Tòa giám mục Kon Tum, cầu treo Kon Klor. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo như lễ hội, văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, dệt thổ cẩm, đan lát, các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đây còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu về bản sắc truyền thống của đồng bào các DTTS, về chiến trường Tây Nguyên xưa với truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Cầu treo Kon Klor, thành phố Kon Tum về đêm. Ảnh: Nguyễn Ban

Một trong những điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho thành phố Kon Tum mà không tỉnh nào ở khu vực Tây Nguyên có được chính là dòng sông Đăk Bla chảy ngược qua lòng thành phố đẹp và thơ mộng. Sông Đăk Bla  tạo nên một vùng đất trù phú dọc theo lưu vực, bồi đắp phù sa tạo thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi, gắn liền với đời sống của cư dân bản địa. Nhìn từ trên cao, con sông Đăk Bla uốn lượn, bao bọc thành phố, hai bên là các làng đồng bào DTTS tại chỗ nằm thanh bình bên dòng sông thơ mộng đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho phố núi Kon Tum.

Thành phố Kon Tum còn được nhiều người biết đến bởi có di lịch sử nổi tiếng là Ngục Kon Tum. Đây là nơi đày ải, giam giữ tù chính trị được thành lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên. Ngục Kon Tum đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng bởi đây đã ra đời chi bộ đảng đầu tiên của Kon Tum vào tháng 9/1930, được gọi là “Chi bộ Binh”. Sự ra đời của Chi bộ Binh có ảnh hưởng to lớn đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung lúc bấy giờ. Di tích lịch sử Ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào năm 1988; đến năm 1990, Ngục Kon Tum đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Ngoài ra, thành phố Kon Tum còn có nhiều địa chỉ du lịch hấp dẫn, đó là nhà thờ Chánh Tòa bằng gỗ đẹp và độc đáo có gần trăm năm tuổi, là một kiệt tác được thiết kế theo kiến trúc Romantic, phối hợp hài hòa kiểu nhà sàn của người Ba Na. Nhà thờ được xây dựng trong 5 năm từ năm 1913 đến 1918, là nhà thờ thiên chúa giáo dành cho đồng bào DTTS nên trong khuôn viên nhà thờ có nhiều biểu tượng đặc trưng của Tây Nguyên như tượng nhà mồ, nhà rông. Vào năm 1995 nhà thờ gỗ được trùng tu song vẫn giữ nguyên nét nguyên bản, kiểu dáng ban đầu.

Nhà rông Kon Klor - địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ảnh: H.T

Cách không xa nhà thờ Chánh Tòa là Chủng viện Thừa Sai Kon Tum được xây dựng vào năm 1935, còn được gọi bằng tên khác là Tòa giám mục Kon Tum. Chủng viện tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn có Tòa Chủng Viện dài 100m, cao 3 tầng. Chủng viện Thừa Sai là sự kết hợp hài hoà giữa lối kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống với cảnh quan đẹp, yên bình, kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa địa phương.

 Thành phố Kon Tum có nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo như Chùa Tổ đình Bác Ái được khởi công xây dựng vào năm 1932, dưới thời vua Bảo Đại, chùa được sắc phong “Sắc tứ Bác Ái tự”. Chùa Trung Khánh là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng mang phong cách kiến trúc nghệ thuật theo kiểu chùa miền Trung Việt Nam, được công nhận “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh” vào năm 2014.

Nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, thành phố Kon Tum có tiềm năng trở thành khu vực trung tâm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ, là nơi kết nối giao thương giữa nhiều tỉnh thành, vùng miền trên cả nước. Những di tích lịch sử, địa danh, cảnh quan hiện có đã tạo thế mạnh, tiềm năng cho địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ du lịch.

Với khát vọng xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế - chính trị, du lịch phát triển toàn diện, bền vững trong khu vực Tây Nguyên và trên cả nước, thành phố Kon Tum đã đề ra lộ trình và nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Trong đó, xác định phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc; khai thác hiệu quả tiềm năng, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng, dã ngoại; mở rộng mạng lưới kết nối phát triển các tour, tuyến du lịch, hướng đến trở thành thành phố sinh thái.

Du khách tham quan và tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na tại làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa). Ảnh: H.T

Hiện nay, thành phố Kon Tum hiện có 4 điểm du lịch cộng đồng được công nhận cấp tỉnh. Đó là Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa), Làng du lịch cộng đồng Kon Klor (phường Thắng Lợi); Điểm du lịch A Biu (xã Ngọc Bay); Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa). Bên cạnh đó, thành phố đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, như du lịch sinh thái - cộng đồng, du lịch thưởng ngoạn thiên nhiên và trải nghiệm đời sống người dân ở làng Kon K’tu; du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng với hệ thống các điểm du lịch độc đáo như Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ Kon Tum, Tòa Giám mục Kon Tum, cầu treo Kon Klor và hệ thống nhà mồ tại các làng DTTS tại chỗ trên địa bàn ngày càng thu hút được nhiều du khách đến tham quan và tăng doanh thu du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Với chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn sẽ ngày càng được phát huy, đưa thành phố Kon Tum trở thành địa điểm du lịch, văn hóa đầy hấp dẫn đối với du khách, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Hoàng Thanh

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Ngày 19/02/2024

Cùng chuyên mục