Những nghệ nhân giữ gìn, bảo tồn lễ hội ghe Ngo của đồng bào Khmer
Ghe Ngo tiếng Khmer gọi là Tuk Ngô, được bà con sử dụng để đua với nhau tại mỗi dịp lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo, nhằm mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nghệ nhân Danh Vũ, sinh ra trong một dòng họ có truyền thống làm nghề đóng ghe Ngo ở tỉnh Kiên Giang, nên từ khi còn trẻ, anh đã được thừa hưởng những kỹ thuật, cách thức để đóng ra một chiếc ghe ngo. Theo nghệ nhân Danh Vũ, anh là đời thứ 4 của gia đình theo nghề này.
Ghe Ngo của đồng bào Khmer với hoa văn sặc sỡ.
Dù sinh ra ở Kiên Giang, nhưng nghệ nhân Danh Vũ lại gây dựng danh tiếng ở Sóc Trăng, nơi có phong trào ghe Ngo phát triển bậc nhất ở ĐBSCL. Theo Nghệ nhân Danh Vũ, để trở thành nghệ nhân đóng ghe Ngo không phải là dễ dàng, bên cạnh là sự thừa hưởng những tinh túy của dòng họ còn có sự đam mê từ chính bản thân của người nghệ nhân. Nếu ngày xưa, Tuk Ngô là thuyền độc mộc, được làm bằng một thân cây sao nguyên vẹn thì ngày nay, do những thân cây sao bằng 2 người ôm hầu như không còn nữa, vì thế, ghe Ngo được đóng bằng gỗ cây sao được cưa thành từng miếng ván. Gỗ sao được chọn đóng ghe Ngo phải có trên 100 năm tuổi: "Gỗ sao đưa xuống nước thì hạp, thứ nhất là không bị thấm nước. Thứ hai nữa là độ đàn hồi gỗ sao nó tốt. Tới thời điểm này thì theo anh kinh nghiệm, không gỗ nào bằng gỗ sao hết".
Cơ duyên bắt đầu nghề đóng ghe Ngo của nghệ nhân Danh Vũ vào năm 2002 khi anh đóng ghe Ngo cho chùa Pích, ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ghe đầu tiên anh đóng đã hạ thủy an toàn, thậm chí nó còn lướt rất nhanh và nhẹ, sau đó, nhiều chùa trong khu vực tiếp tục mời anh đóng ghe Ngo để tham gia lễ hội. Từ đó, anh chính thức trở thành nghệ nhân đời thứ tư của dòng họ khi chưa đầy 30 tuổi.
Nói về nghệ thuật đóng ghe Ngo, nghệ nhân Danh Vũ chia sẻ, đóng ghe Ngo đòi hỏi người thợ phải thông thạo về chọn loại gỗ, tỉ mỉ, khéo tay và thạo về kỹ thuật. Bên cạnh vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của ghe Ngo, còn phải đảm bảo lướt thật nhanh trên mặt sóng, vì vậy, đi tham gia hội đua mới giành được thắng lợi.
Nghệ nhân Sơn Sà The đang hoàn thành vẽ hoa văn trên chiếc ghe Ngo tại chùa Phú Tứk.
"Quan trọng nhất là cái khâu mình ráp lườn, nếu ráp đúng, ma sát không cản nhiều thì ghe sẽ tốc độ cao. Muốn ghe có chất lượng phải chọn đúng gỗ sao, hai nửa là thợ ráp, 3 là buộc cần câu và thứ tư là nhân lực con người quyết định", nghệ nhân Danh Vũ cho biết thêm.
Mỗi chiếc ghe Ngo mất khoảng 1 tháng rưỡi để hoàn thành. Tính đến nay, nghệ nhân Danh Vũ đã đóng và sửa chữa trên dưới 100 ghe Ngo cho các chùa Khmer. Trong đó, cứ đến lễ hội hằng năm, anh lại sửa chữa và đóng mới vài chiếc ghe Ngo để đồng bào tham gia lễ hội. Hiện nay, Nghệ nhân Danh Vũ được biết đến là nghệ nhận đóng ghe Ngo tốt nhất khu vực ĐBSCL khi rất nhiều ghe Ngo do anh đóng đều giành giải cao, như ghe Ngo chùa Pong Tứk Chắs, chùa Ông Kho, chùa Tum Núp ở Sóc Trăng, ghe ngo của huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh….
Không chỉ là thi đấu tốt, đồng bào Khmer còn chú trọng trong việc trang trí ghe Ngo với những hoa văn nổi bậc mang đậm bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Nếu như nghệ nhân Danh Vũ nổi tiếng là người đóng ghe Ngo số một ở ĐBSCL thì trong giới những người đam mê vẽ hoa văn nổi tiếng trên những chiếc ghe Ngo hiện nay cũng phải kể đến chị Sơn Sà The ở phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng chị và chồng của mình là anh Lâm Phiên đã để lại rất nhiều tác phẩm được thực hiện công phu và độc đáo.
Khi Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL năm 2022 đã cận kề, chúng tôi gặp chị Sơn Sà The khi đang tạo hoa văn trên chiếc ghe Ngo chùa Phú Tứk ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Chị Sà The cho biết tất cả chiếc ghe Ngo của người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng, nhưng quan trọng là làm sao để khi hạ thủy, tham gia bơi đua, những hoa văn đó vẫn làm nổi bậc cho chiếc ghe Ngo, thu hút người xem.
"Ban đầu thì mình sơn lót, như là sư trụ trì thích màu nào thì mình sơn lót màu đó, như là trắng, đỏ, tím… Sau đó thì mình dùng phấn trắng phác họa ban đầu hoa văn, có rất nhiều hoa văn truyền thống mà nhà chùa đã chọn. Ngoài ra thì mình cũng vẽ các linh vật, như là rồng, kỳ lân, hổ, voi… ở mũi ghe tùy vào sự lựa chọn của chùa", chị Sà The chia sẻ.
Một ghe Ngo khác do Nghệ nhân Sơn Sà The vẽ tại Sóc Trăng.
Qua trao đổi mới biết, chị Sơn Sà The là nghệ nhân đời thứ 3 sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đam mê tranh vẽ tường tại các chùa chiền Khmer và điêu khắc. Khi mới 8 tuổi, chị Sà The được ông ngoại là một nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng ở ĐBSCL và mẹ cũng là nghệ nhân tài hoa truyền đạt những kiến thức nghệ thuật từ cơ bản đến nâng cao. Đến 14 tuổi chị đã thành thạo nghề. Với năng khiếu trời phú và đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, chị đã trở thành nghệ nhân vẽ hình chuyên nghiệp, được nhiều chùa Khmer mời tới thực hiện những tác phẩm vẽ dựa theo truyền thuyết trong kinh Phật cũng như những hoa văn trên những chiếc ghe Ngo.
Với tài nghệ của mình, từ nhiều năm nay, nhiều nghệ nhân Khmer trong đó, có nghệ nhân Sơn Sà The, Danh Vũ đã để lại nhiều tác phẩm đã và đang được lưu trữ tại các chùa Khmer trong khu vực ĐBSCL. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ, tạo thêm phần đặc sắc cho Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL năm 2022 sắp diễn ra./.
Thạch Hồng