Non nước Việt Nam

Hành trình đưa Mo Mường đến danh hiệu di sản thế giới

Cập nhật: 28/10/2022 11:21:40
Số lần đọc: 882
Sau rất nhiều nỗ lực để khẳng định bản sắc và sức sống tiềm ẩn của di sản trong đời sống, mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Trong hành trình làm hồi sinh “Bộ bách khoa thư dân gian về dân tộc Mường” đó, Hà Nội đang đồng lòng chung sức cùng các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk để có thể “về đích” vào tháng 3/2023.  


Trình diễn chiêng Mường, một tiết mục của mo.

Mo Mường trong đời sống hôm nay

Nói đến mo Mường là nói đến những nghi lễ dân gian có tính thiêng được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu sức khỏe, bình an của người Mường. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị nhân văn gắn liền với đời sống tinh thần của người dân xứ Mường.

Theo thống kê của giới nghiên cứu văn hóa, di sản mo Mường hiện có tại 7 tỉnh, thành phố, gồm Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội. Riêng tại Hà Nội, đồng bào Mường sống ở cả 30 quận, huyện, thị xã, nhưng tập trung đông nhất tại huyện Thạch Thất và huyện Ba Vì. Theo kết quả đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội”, được công bố năm 2016, di sản mo Mường được kiểm kê với các tên gọi khác nhau tại các địa phương như: Bài cúng ma - cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì; tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 7 thầy mo còn đang thực hành mo Mường thường xuyên. Người cao tuổi nhất là ông Đinh Công Sinh ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì, 86 tuổi, còn người trẻ tuổi nhất là anh Đinh Xuân Nam ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, 28 tuổi.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn một thế kỷ đã qua, kể từ khi người Pháp khơi màn nghiên cứu về các dân tộc ở Việt Nam, đã có hàng trăm công trình khoa học lớn, nhỏ nghiên cứu về mo Mường. Tính cho đến nay, mo trở thành trường hợp hiếm hoi trong số những sản phẩm văn hóa của người dân tộc thiểu số Việt Nam được nghiên cứu nhiều nhất. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng khẳng định: Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu cuộc sống, con người, quê hương và cốt cách của con người, vùng đất bản Mường. Mo Mường tái hiện lịch sử loài người, phản ánh nhận thức của con người về sự ra đời của trời đất, sự phát triển của xã hội...; đúc kết những bài học về đời sống cộng đồng... Bên cạnh đó, mo Mường còn là chỉnh thể nguyên hợp bao hàm tất cả các yếu tố của văn hóa dân gian người Mường: Vừa là loại hình văn học dân gian, vừa là loại hình diễn xướng dân gian với âm nhạc, múa, sân khấu, đồng thời chuyển tải nội dung tín ngưỡng gắn với các nghi lễ dân gian, tri thức dân gian...

Thế nhưng theo thời gian, cơ hội thực hành, gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của mo Mường đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một. Không chỉ là chuyện bị cắt giảm về dung lượng, không chỉ vì sự vận động nội tại của bản thân mo trong đời sống hiện tại..., mà còn do mâu thuẫn giữa nhu cầu về mo trong tâm thức của người Mường với sự thay đổi trong suy nghĩ của họ trước thực tiễn cuộc sống. Đó là chưa kể việc sân khấu hóa mo, đưa vào mo một số nội dung có tính chất hiện đại và trình diễn mo bằng các thiết bị âm thanh, ánh sáng cũng làm nhạt đi tính biểu tượng, tính thiêng của nghi lễ mo truyền thống. Rồi ngay bản thân người Mường cũng không có hệ thống chữ viết, nên chỉ có thể lưu giữ mo bằng cách truyền khẩu...

Giải pháp để gìn giữ giá trị của mo Mường không gì ưu việt hơn là lập hồ sơ di sản để có một phương án bảo tồn trên diện rộng, mở ra cơ hội phát huy giá trị và quảng bá di sản. Chính vì thế mà năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chọn lựa mo Mường là di sản cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đến nay, mo Mường luôn có trong tâm thức và nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm công tác bảo tồn di sản tại Hà Nội và 6 tỉnh thành khác - những nơi cùng tham gia xây dựng hồ sơ di sản và hy vọng hoàn thành phần việc này để kịp trình UNESCO vào tháng 3/2023 như kế hoạch đã đặt ra.

Ăm ắp nỗi lo

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng bộ hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa mo Mường. Tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường (diễn ra vào ngày 3/10/2022), chuyên gia của Viện Âm nhạc Việt Nam đã hướng dẫn, phổ biến về công tác kiểm kê theo quan điểm và yêu cầu của UNESCO đối với các di sản văn hóa phi vật thể; ứng dụng lý thuyết vào công tác kiểm kê di sản mo Mường ở Hà Nội; hướng dẫn kiểm kê và thực hành kiểm kê thông qua việc phỏng vấn các thầy mo.

Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa bước ra thế giới, những người làm di sản Hà Nội vẫn ăm ắp nỗi lo hướng về phía mo Mường. Trước hết là theo kế hoạch, hồ sơ quốc gia mo Mường phải được hoàn thành trong năm nay để kịp nhận góp ý, chỉnh sửa và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kế hoạch này khó khả thi bởi tiến độ xây dựng hồ sơ tại các địa phương thực sự không đáp ứng được yêu cầu. Theo Tiến sĩ Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, có 7 tỉnh, thành phố cam kết tham gia xây dựng hồ sơ di sản mo Mường gồm Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Lắk. Đây là những nơi vẫn còn giữ các nghi lễ mo trong sinh hoạt của người Mường, song đến nay chỉ có Hòa Bình và Ninh Bình là sẵn sàng. Ngoài khó khăn về bố trí kinh phí, để trình hồ sơ lên UNESCO thì các địa phương đứng tên trong hồ sơ này đều phải có trong tay quyết định công nhận mo Mường của tỉnh mình là di sản phi vật thể cấp quốc gia trước tháng 12/2022. Tuy nhiên, mới chỉ Hòa Bình có quyết định từ năm 2016, còn 6 địa phương còn lại, trong đó có Hà Nội, còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đơn vị chủ trì (tỉnh Hòa Bình) và đơn vị tư vấn (Viện Âm nhạc Việt Nam) đang tính đến việc lùi kế hoạch đã định.

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, còn băn khoăn rằng, nếu chỉ làm hồ sơ cho mo tang ma mà không làm các mo khác (mo mát nhà, mo vía mụ, mo cầu mạnh, mo cầu thọ...) như đề xuất của các nhà nghiên cứu thì có là thiếu sót? Còn các nghệ nhân - những “người trong cuộc”, và các nhà nghiên cứu - những người hiểu tường tận về di sản, thì lại chất chứa nỗi lo kết nối từ hiện thực cuộc sống. Hiện nay, 70% - 80% mo Mường không còn được diễn xướng trong đời sống bởi tập tục đã thay đổi nhiều. Để diễn xướng đủ bài mo tang ma như trước đây thì cần 12 ngày hoặc hơn, nhưng thực tế, tất cả các nơi đều thực hiện quy định chôn cất người quá cố trong 48 giờ... Vậy thì phải làm thế nào để hồi sinh “Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường? Đó thực sự là câu hỏi lớn.

Có thể thấy, mo Mường là một sáng tạo vĩ đại của người Mường - “Bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường còn chưa được nghiên cứu, hiểu biết thấu đáo, đầy đủ. Hành trình đi và đến danh hiệu Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO dù còn nhiều khó khăn, song là con đường đi đúng đắn để di sản tìm thấy giá trị đích thực của mo Mường trong đời sống đương đại.

Nhật Minh

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 28/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT