Trẩy hội Katê ở Ninh Thuận
Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn để tưởng nhớ các vị thần, vị vua có nhiều công lao đóng góp, được đồng bào tôn kính; cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Theo phong tục truyền thống của người Chăm, tại các đền, tháp Chăm gồm: Đền Pô Inư Nưgar, tháp Pô Klong Garai; tháp Pô Rômê bắt đầu các hoạt động như rước y trang, mở cửa tháp, các nghi thức tôn giáo và các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống. Đây cũng là dịp để người Chăm xa xứ trở về quê sum họp với người thân, gia đình.
Các tín đồ Bà La Môn dâng cúng lễ vật tại tháp Pô Klong Garai.
Các vị chức sắc Chăm Bà La Môn.
Hoạt động văn hoá văn nghệ tại các làng Chăm.
Lễ hội Katê với những giá trị độc đáo, đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì và phát triển trong cộng đồng đã trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Năm 2017, Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại tháp Pô Klong Garai, anh Cao Xuân Nguyên – một du khách đến từ Hà Nội bày tỏ, lần đầu tiên tham dự Lễ hội Katê của người Chăm, anh cảm thấy thú vị khi được xem điệu múa quạt trên nền trống Ghi-năng, tiếng kèn Saranai và ngắm nhìn kiến trúc tháp rất độc đáo.
Các tín đồ mang lễ vật lên tháp để cúng thần linh.
Đoàn rước y trang lên tháp Pô Klong Garai.
Anh Nguyên nói: "Tôi thấy văn hoá của người Chăm rất thú vị, có nhiều điểm chưa khám phá được nên muốn đến đây để tham quan, tìm hiểu. Ngày xưa mà xây được kiến trúc như thế này thì rất đẹp, có nhiều đường nét khác biệt so với các nơi khác. Tây Nguyên có nhà Rông, nhà Dài, còn về đây thấy toà tháp đẹp quá!"./.
Đoàn Sĩ