Non nước Việt Nam

Quảng Ninh: Phụ nữ Bình Liêu giới thiệu văn hóa cộng đồng đến với du khách

Cập nhật: 20/10/2022 14:04:46
Số lần đọc: 664
Những người phụ nữ vùng cao ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, nông nghiệp mà còn biết tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển các loại hình du lịch độc đáo.

Huyện Bình Liêu có hơn 96% là đồng bào dân tộc thiểu số. Gần chục năm trước, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào trồng cấy, chăn nuôi và khai thác lâm sản. Từ năm 2015, du lịch Bình Liêu bắt đầu được biết đến nhưng do số lượng cơ sở lưu trú còn ít nên du khách thường chỉ có thể du lịch trong ngày, sau đó về nghỉ tại các địa phương lân cận.

Xuất phát từ nhu cầu của du khách về chỗ lưu trú, bà Lý Thị Hạnh (42 tuổi, bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn) đã mạnh dạn xây dựng mô hình homestay đầu tiên ở huyện Bình Liêu với kiến trúc nhà sàn độc đáo của đồng bào Dao cùng những hoạt động trải nghiệm như cấy lúa, bắt ốc ở khe suối, hái lá thuốc rừng làm nước tắm...     

Bà Lý Thị Hạnh cho biết: "Trong quá trình xây dựng homestay, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, kinh nghiệm làm homestay. Bản thân tôi cũng đã được tham gia các khóa học về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, lớp quản lý mô hình homestay do Ban Dân tộc tỉnh và trường Đại học Hạ Long tổ chức từ năm 2016 và đi học hỏi các địa phương. So với các công việc trước đây, kinh doanh homestay mang lại thu nhập khá ổn định, tạo việc làm cho 3 nhân công, cũng liên kết với các xóm làng để bán các nông sản của bà con".

Với chi phí 20.000 đồng/lượt tham quan, du khách có thể trải nghiệm vườn cây ăn quả rộng nhiều ha của gia đình bà Nông Thị Chương ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu.

Du lịch Bình Liêu ngày càng phát triển đã tạo "bước ngoặt" cho phụ nữ vùng cao tham gia phát triển kinh tế gia đình từ lợi thế địa phương. Đã có nhiều đơn vị phối hợp với chính quyền và các đoàn thể mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn... trong đó, đối tượng học viên là phụ nữ dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm.

Bà Lài Thị Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Liêu cho biết từ những lớp tập huấn này, có hơn 200 chị em tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch gắn với các yếu tố văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây: "Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã giới thiệu được trên 200 hội viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghề liên quan đến các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Đặc biệt, đối với các hộ có điều kiện mở homestay, chúng tôi đã hỗ trợ các hội viên để vay vốn tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội huyện. Hiện nay các mô hình homestay mang lại một số kết quả rất tốt".       

Du khách muốn mua hoa quả tại vườn sẽ được tự tay hái và tính tiền mà không mất phí tham quan.

Xác định Bình Liêu là một địa phương có lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn, trường Đại học Hạ Long đã thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và phối hợp với UBND huyện Bình Liêu tổ chức các lớp hướng dẫn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho người dân địa phương.

Tham dự lớp học, bà Trần Khánh Phượng (49 tuổi, thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn) chia sẻ: "Qua lớp học này, tôi được học những kinh nghiệm pha chế mà thầy cô hướng dẫn nên đã biết cách chế biến các loại quả cam, trám xanh, trám đen... thành nước uống và những loại rượu nhẹ để khách du lịch ở mọi nơi đến đây được thưởng thức".        

Bà Trần Khánh Phượng mong muốn được học thêm kinh nghiệm từ các mô hình du lịch sinh thái đã thành công, từ đó xây dựng một mô hình riêng mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày.

Không chỉ lưu giữ được những nét văn hóa riêng như nghệ thuật diễn xướng Then của người Tày, hát Sán cổ của người Dao, Soóng cọ của người Sán Chỉ,... Bình Liêu còn nổi tiếng với phong cảnh biên giới, núi non hùng vĩ cùng những thửa ruộng bậc thang trải dài. Hòa trong cảnh sắc thiên nhiên đó là cuộc sống êm đềm, giản dị, đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cuối thu, Bình Liêu là điểm đến thu hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, check-in tại đồi cỏ lau, trải nghiệm Hội Mùa vàng, ngắm rừng hoa sở cùng vẻ đẹp tự nhiên mà hùng vĩ của các danh thắng như bãi Đá thần, núi Cao Xiêm, thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc… Bình Liêu là địa phương có sẵn những lợi thế khác biệt, thu hút du khách bốn phương tới khám phá mảnh đất và con người nơi đây./.

CTV Huyền Chi

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 20/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT