Yên Bái: Phát huy bản sắc văn hóa khèn Mông ở Mù Cang Chải
Một tiết mục biểu diễn tại Hội thi khèn Mông lần thứ III, huyện Mù Cang Chải năm 2022. (Ảnh: Xuân Nguyễn)
Nằm trong chuỗi các sự kiện khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022; Lễ đón nhận Huân Chương độc lập hạng III và Kỷ niệm 65 năm ngày thành huyện Mù Cang Chải (18/10/1957 – 18/10/2022),… Hội thi khèn Mông lần thứ III năm 2022 với sự tham gia của 12/14 xã, thị trấn trên địa bàn Mù Cang Chải đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Theo Ban tổ chức, Hội thi khèn Mông lần thứ III, năm 2022 được chia ra làm 2 lứa tuổi dưới 18 tuổi và trên 18 tuổi với sự tham gia của gần 70 diễn viên, nghệ nhân của các xã, thị trấn trong toàn huyện Mù Cang Chải. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa để huyện Mù Cang Chải quảng bá tiềm năng du lịch địa phương.
Để góp phần vào sự thành công của Hội thi khèn Mông huyện Mù Cang Chải lần thứ III năm 2022, các diễn viên, nghệ nhân khèn của xã Nậm Có đã tích cực luyện tập các nội dung theo thể lệ của Hội thi và đem đến cho Hội thi những điệu nhảy, múa khèn hấp dẫn thu hút người xem.
Anh Thào A Ký ở bản Thào Xa Chải, xã Nậm Có chia sẻ: “Nậm Có là xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải (cách 50 km), đến với Hội thi khèn Mông huyện Mù Cang Chải lần này, chúng tôi đã tập luyện nhuần nhuyễn, công phu các nội dung bài khèn theo thể lệ của Hội thi. Đặc biệt nữa là quan tâm đến trang phục khi tham gia thi phải đúng với bản sắc của dân tộc mình”.
Là một trong những thành viên nhỏ tuổi, em Sùng A Sang (sinh năm 2010), đến từ xã Hồ Bốn vốn là người yêu và thích thổi khèn, từ nhỏ em đã được bố và các anh trong họ hướng dẫn, dạy thổi và múa các bài khèn. Khi biết tin huyện Mù Cang Chải tổ chức Hội thi khèn Mông, Sang đã mạnh dạn đăng ký và tham gia hội thi ở nội dung múa khèn đơn.
Sùng A Sang tâm sự: Được tham gia Hội thi khèn, em như được đắm mình trong bản sắc văn hóa của tổ tiên truyền lại, giúp bản thân có cơ hội giao lưu, học hỏi, hiểu thêm về loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình…
Còn anh Sùng A Sơ, cán bộ xã Mồ Dề nói: Để hưởng ứng các hoạt động của Hội thi khèn Mông huyện Mù Cang Chải lần thứ III, năm 2022, thời gian vừa qua, xã Mồ Dề đã làm tốt công tác chỉ đạo công chức của xã rà soát và nắm tình hình cụ thể các diễn viên, nghệ nhân biết và thổi khèn để tiến hành lựa chọn và tổ chức để luyện tập các bài khèn để tham gia Hội thi theo kế hoạch…
Hình ảnh tại Khai mạc Festival khèn Mông huyện Mù Cang Chải lần thứ Nhất, năm 2022 vào tối 14/10. (Ảnh: Hùng Mạnh)
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, khèn Mông là loại nhạc cụ phổ biến và mang tính đặc trưng nhất của người Mông. Trong cuộc sống thường ngày, khèn Mông luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông, rồi trong các dịp lễ hội, hay trên đường xuống chợ, đi rừng, đi nương, những điệu khèn là tiếng nói thể hiện lòng biết ơn đối với công lao sâu nặng của các đấng sinh thành, là tiếng lòng, khúc tâm tình của các chàng trai gửi tới người con gái mà mình yêu thương… Tiếng khèn giúp họ kết đôi, xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Đặc biệt trong các nghi lễ, tín ngưỡng hay trong các lễ hội dân tộc, khèn là vật dụng linh thiêng không thể thiếu.
Đồng chí Hảng A Ký – Trưởng Ban dân vận – Chủ tịch MTTQ huyện – Trưởng ban tổ chức Hội thi khèn huyện Mù Cang Chải cho biết: Hội thi cũng là cơ sở, nền tảng để tổ chức các liên hoan quy mô lớn hơn như: Festival khèn Mông, lập hồ sơ đề xuất đưa nghệ thuật múa khèn Mông, tỉnh Yên bái là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.
Còn đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải nhấn mạnh: Hội thi khèn Mông lần thứ III năm 2022 nằm trong chuỗi sự kiện khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, là dịp để các nhóm Mông, các dòng họ Mông trong và ngoài huyện giao lưu, học hỏi về loại nhạc cụ đặc sắc này.
“Việc tổ chức Hội thi nhằm tăng cường sự gắn kết cộng đồng các dân tộc, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc với bạn bè trong nước và quốc tế đồng thời nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò giá trị di sản văn hóa đặc sắc của địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ của huyện Mù Cang Chải. Tạo sự gắn kết, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông nói riêng và nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải nói chung” – Bí thư Nông Việt Yên nói.
Kim Chiến – Xuân Nguyễn