Khơi dậy sức mạnh văn hóa, tiếp sức du lịch bằng văn hóa ẩm thực
Du khách nước ngoài thưởng thức món ngon của Việt Nam.
Nguồn lực dồi dào, hấp dẫn
Để chọn một đại diện ẩm thực của Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến phở. Phở Việt lâu nay đã trở nên quá đỗi gần gũi, quen thuộc với nhiều người dân ở mọi vùng miền đất nước và cả người nước ngoài. Bát phở nóng lấy năng lượng cho bữa sáng để bắt đầu ngày mới là lựa chọn của “dân văn phòng”, cho bữa trưa gọn nhẹ, là niềm yêu thích của nhiều người khi lang thang phố xá.
Ít người biết rằng lịch sử của phở Việt mang theo mình những câu chuyện vô cùng lý thú. Từ năm 1827, trong cuốn từ điển “Hán-Việt nhật dụng thường đàm” do Phạm Đình Hổ biên soạn đã nhắc đến phở. Cụ thể trong mục thực phẩm, cụm từ chữ Hán “ngọc tô bính” được chú thích bằng chữ Nôm là “bánh phở bò”. Tuy nhiên, phải đến những năm đầu thế kỷ XX, món phở mới được định hình và tiếp tục duy trì, phát triển cho tới bây giờ. Nam Định được cho là một nơi đã khai sinh ra phở, mà nguồn gốc đầu tiên là làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực) với thương hiệu phở Cồ hiện nay vẫn còn duy trì và có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí còn đặt chân đến một số quốc gia trên thế giới.
Điều thú vị là năm 2016, một người Nhật Bản đã chọn ngày 4/4 hằng năm để tôn vinh… phở Việt tại đất nước của mình. Còn ở Việt Nam, phải đến năm 2017 mới chính thức có “Ngày của Phở” 12/12 - được tổ chức dưới hình thức một hoạt động du lịch, văn hóa cộng đồng. Không chỉ tôn vinh phở, món ăn được nhiều người ví như “quốc hồn quốc túy” của dân tộc, “Ngày của Phở” còn là hoạt động ý nghĩa để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Phở là một đại diện trong kho tàng ẩm thực phong phú, độc đáo và đa dạng của Việt Nam. Dọc dải đất hình chữ S, từ bắc vào nam, mỗi địa phương, vùng miền đều có những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Không chỉ thu hút khách du lịch trong nước, ẩm thực Việt Nam còn khiến nhiều du khách quốc tế “phải lòng” với các món ăn như: bún bò, bún thang, bún chả, bún cá, bánh cuốn, chả cá, gỏi cuốn, bánh xèo...
Từ năm 2011, cùng với phở, gỏi cuốn của Việt Nam đã được hãng CNN (Mỹ) xếp vào danh sách 50 món ăn ngon nhất trên thế giới. Mới đây, ngày 23/8/2022, bánh mì, phở, cà-phê của Việt Nam lọt vào tốp 50 món ăn đường phố ngon nhất châu Á do CNN bình chọn. Còn theo bình chọn của tạp chí The Travel (Canada) năm 2022, Việt Nam đứng thứ 5 trong tốp 10 quốc gia có nền ẩm thực ngon nhất thế giới. Tạp chí này đã dành những đánh giá đầy thiện cảm đối với ẩm thực Việt Nam: “Sự đa dạng của các món ăn sẽ khiến du khách bất ngờ và bối rối. Quốc gia này là một nơi tuyệt vời để bắt đầu khám phá ẩm thực”.
Các đặc sản ẩm thực vùng miền là một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách. Ảnh: Minh Khiếu
Hướng đi sáng tạo của một địa phương
Tháng 5/2022, Sở Du lịch thành phố Hải Phòng chính thức phát hành bản đồ về các món ăn ngon của thành phố (Food tour) trên các trang thông tin chính thống và lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. Bản đồ ẩm thực còn được in thành tờ rơi với hình thức hiện đại, thân thiện, bắt mắt, ngôn ngữ trẻ trung mô tả thực đơn theo chủ đề như “Sáng đánh thức”, “Trưa thưởng thức”, “Chiều háo hức”… để phát miễn phí tại các nhà ga, bến xe trên địa bàn thành phố. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch di chuyển, chủ động trong việc tham quan, khám phá thành phố, trong đó có trải nghiệm, thưởng thức đặc sản của địa phương, Sở Du lịch có kế hoạch đề xuất thành phố Hải Phòng mở thêm các tuyến xe bus khu vực nội đô.
Với Food tour, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước có bản đồ ẩm thực. Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi ra mắt, thành phố đã đón rất đông du khách từ khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm, trong đó hầu hết là giới trẻ. Đây được xem là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển du lịch hiện nay. Số liệu khảo sát từ các đơn vị, tổ chức du lịch cho kết quả có tới hơn 80% ý kiến cho rằng du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch. Tại Việt Nam, khảo sát từ khách nội địa cho thấy du lịch ẩm thực chỉ đứng thứ 3 sau du lịch nghỉ dưỡng biển và khám phá thiên nhiên, và hiện đang có chiều hướng gia tăng.
Trên thế giới, nhiều quốc gia rất chú trọng phát triển du lịch ẩm thực, thậm chí loại hình này có tốc độ tăng trưởng không thua kém các loại hình du lịch khác, tiêu biểu có thể kể đến lễ hội Pizzafest tháng 9 ở Ý dành cho những tín đồ mê pizza; lễ hội Oktoberfest tháng 10 ở Đức cho những người thích bia; lễ hội bánh kếp Maslenitsa ở Nga; lễ hội tôm hùm ở Maine; lễ hội rượu vang và ẩm thực Hermanus ở Nam Phi…
Tiềm năng phải thành thế mạnh
Cùng với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, môi trường văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc…, ẩm thực là nguồn lực đầy tiềm năng để thu hút khách du lịch. Ẩm thực Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đặc biệt trong việc sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, các gia vị được chế biến tinh tế, cầu kỳ. Nhiều du khách đã lặn lội đến Việt Nam để được trải nghiệm các món ăn mà họ mới chỉ được xem trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội. Bên cạnh đó ẩm thực Việt cũng đang nỗ lực xuất ngoại, góp phần quảng bá về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ đây mở ra những cánh cửa cho hội nhập, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
Nếu biết coi trọng, khai thác đúng hướng văn hóa ẩm thực bản địa, gắn du lịch với ẩm thực, phát triển du lịch ẩm thực dựa trên lợi thế sẵn có của từng địa phương, sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia. Để làm được điều này, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp cho đến từng người dân cần nhìn nhận đúng đắn vai trò của văn hóa ẩm thực. Từ đó các cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch… xây dựng kế hoạch bài bản, đồng bộ; đồng thời tạo nên sự khác biệt, độc đáo; khai thác được lợi thế của từng vùng miền trong đầu tư, phát triển du lịch, tạo điểm nhấn quan trọng giúp quảng bá văn hóa của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung tới du khách trong nước và quốc tế. Khai thác đúng hướng lợi thế này, du lịch Việt Nam sẽ tạo được sự bứt phá trong thời gian tới, đồng thời góp phần khẳng định thương hiệu quốc gia trên bản đồ thế giới.
Thi Phong