Non nước Việt Nam

Những trải nghiệm mới từ giấy truyền thống

Cập nhật: 01/11/2023 13:57:09
Số lần đọc: 872
Nghề làm giấy truyền thống có từ lâu đời, tồn tại đến ngày nay nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc có không ít nghệ sĩ chọn phương thức sáng tạo nghệ thuật trên chất liệu giấy truyền thống, như giấy dó, giấy giang, giấy chuối, giấy dứa... mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới mẻ không chỉ về phong cách, màu sắc, hình khối mà còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Họa sĩ Trần Thị Thu và tác phẩm vẽ trên giấy giang.

“Thổi hồn” vào dó

Họa sĩ Vũ Thái Bình vừa tổ chức triển lãm “Sắc Dó 4”, giới thiệu những tác phẩm mới nhất của anh trong 3 năm qua. Đây đồng thời cũng là dịp nhìn lại chặng đường sáng tạo suốt 20 năm qua, khi anh chọn giấy dó làm chất liệu sáng tác hội họa. Lần này, những bức tranh giấy dó của anh được thể hiện trên khổ lớn, vẫn quen thuộc với khung cảnh thôn quê, cây thay lá, sóng xô bờ cát, người nông dân chân chất...

Như cách nói của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì Vũ Thái Bình đã “mượn dó thả tình” vào tranh. “Tôi muốn kể những câu chuyện Việt Nam, trên chất liệu truyền thống Việt Nam. Mỗi tờ giấy dó là độc bản và cách vẽ của tôi là nương theo giấy. Bản thân tờ giấy đã rất đẹp nên tôi không muốn vẽ kín hay vẽ dày lên. Mình muốn tinh thần của giấy là số 1. Giấy dó xứng đáng là một tác phẩm” - họa sĩ Vũ Thái Bình nói.

Nhìn tranh của Vũ Thái Bình, người ta cảm nhận được sự sâu lắng, hình ảnh và màu sắc thâm trầm và kỹ thuật thể hiện vô cùng tỉ mỉ. “Kỹ thuật vẽ với giấy dó không ai dạy cả mà tự mình mày mò, trải nghiệm. Tôi phải làm liên tục, giống như cái kim phải mài từ ngày này qua ngày khác. Đến giờ, tôi đã làm chủ kỹ thuật. Hình ảnh phải đạt đến mức tự nhiên, đằng sau là sự thấu hiểu chất liệu. Với mỗi tác phẩm, tôi phải trải qua 70 - 80 lần vẽ, với nhiều lớp lang khác nhau. Với bức tranh đáng nhuộm 10 lần thì dứt khoát tôi phải nhuộm 10 lần. Khi làm đủ 3 sắc độ: Đậm, nhạt, trung gian thì bức tranh mới có chiều sâu” - họa sĩ Vũ Thái Bình cho biết.

Nghĩ đến giấy dó là nghĩ đến sự mộc mạc, giản dị. Được sản xuất hoàn toàn thủ công nên mỗi tờ giấy là độc bản. Trước kia, giấy dó thường dùng để ghi chép gia phả hay sắc phong. Với độ bền cao, các nghệ nhân dân gian cũng chọn giấy dó để làm tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng.

Hiện nay, không ít họa sĩ chọn giấy dó làm chất liệu. Cùng với Vũ Thái Bình, những người thành danh với giấy dó còn có họa sĩ Trần Nguyên Đán với tranh khắc gỗ in trên giấy dó mộc mạc, đượm hồn dân tộc; họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm với những bức tranh mang âm hưởng đồng quê trên chất liệu bột màu, giấy dó, làm nên thương hiệu của chị ngay từ những ngày đầu; họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh với loạt tranh chân dung các nhân vật văn học Trung đại, tranh hổ trên giấy dó; họa sĩ Phạm Hà Hải cùng loạt tranh đượm màu sắc phương Đông; họa sĩ Lê Thị Minh Tâm sáng tác tranh dựa trên cảm hứng liên quan đến tôn giáo, triết học, tạo hóa cùng hình ảnh âm/dương trên một nền tảng tối giản với giấy dó, mực nho...

Tranh giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình.

Mở rộng biên độ cho giấy truyền thống

Trong thời đại mới, một số nghệ sĩ đã tìm về các chất liệu truyền thống như giấy dó, giấy giang, gần đây nhất là giấy chuối, giấy dứa để sáng tạo nghệ thuật. Họa sĩ Trần Thị Thu đã dùng giấy giang, bột giấy giang bồi trên toan, tạo bề mặt bền vững để vẽ với các chất liệu tổng hợp như màu nước, acrylic, sơn mài...

Thử nghiệm từ năm 2002, họa sĩ Trần Thị Thu cho rằng, giấy giang do bà con tại Hòa Bình trồng nguyên liệu và sản xuất thủ công, với hai sản phẩm chính là giấy giang trắng và giấy giang nhuộm củ nâu, có độ bền không thua kém giấy dó, không bị thay đổi màu khi vẽ. Thay vì để những tấm giấy giang đơn lẻ, chị tìm một loại keo để bồi giấy giang hoặc bột giấy giang lên toan, tạo ra một bề mặt tranh như mình mong muốn.

“Tôi thích màu sắc thâm trầm, đầy xúc cảm, vẫn còn hơi lăn tăn của sợi giang còn sót lại. Chất liệu ấy luôn mang lại cho tôi cảm giác giống như khí chất của người phụ nữ, có chỗ thô, sâu, rộng, có những chỗ lại nhẵn, mong manh, nhẹ nhàng... Bằng tình yêu, sự gắn bó của mình với Hòa Bình, tôi kể câu chuyện văn hóa của mảnh đất mà tôi đã rung động, gắn bó, đầy cảm xúc trên giấy giang. Tôi thấy màu không bị bay đi, có cảm giác mình được ngắm nghía nó hằng ngày” - họa sĩ Trần Thị Thu cho biết.

Sau hơn 20 năm thử nghiệm, từ chỗ kết hợp giấy giang với màu nước, trong 3 năm qua họa sĩ Trần Thị Thu đã vẽ sơn mài trên chất liệu giấy này... Thật may, giấy giang bồi trên toan, được tráng dày lên theo đúng kích cỡ và độ dày thì có thể sử dụng để vẽ độc lập, mở ra biên độ sáng tạo rộng lớn. Nếu như trước đây, người dân địa phương dùng giấy giang để làm ma chay hay làm các đồ trang trí trong nhà thì bây giờ, giấy giang được sử dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là làm chất liệu trong hội họa, làm đồ trang trí: Lịch tường, bưu thiếp, sổ tay, quạt giấy, lồng đèn trang trí, khuyên tai.

Họa sĩ Trần Thị Thu cũng là người sử dụng giấy chuối để vẽ tranh. Xơ chuối tách thành sợi, từ đó có thể dệt vải, làm giấy. Những tác phẩm hội họa trên giấy chuối cũng thể hiện nét thâm trầm, giản dị, mang đến sắc thái riêng. “Những loại cây như dứa, chuối hay cây giang gần gũi, trong bờ rào nhà mình nhưng mình lại không biết đến giá trị của nó, như thế thật là lãng phí” - họa sĩ Trần Thị Thu nói.

Gìn giữ nghề làm giấy truyền thống

Nghề làm giấy dó có từ thế kỷ XIII. Để làm giấy dó, người nghệ nhân phải tuân theo một quy trình cụ thể, làm thủ công. Thay vì xay thành bột bằng máy móc như các loại giấy công nghiệp, mỗi một tờ giấy dó là thành quả của một quá trình vất vả hàng tháng trời, từ cắt thân cây về, đem hấp, tách vỏ, gọt bẩn rồi đập vỏ để tách sợi, cho vào khung ép và cuối cùng là phơi nắng - tính sơ sơ có gần 10 công đoạn. Một điều đặc biệt cần lưu ý trong quá trình làm giấy dó chính là không được sử dụng hóa chất, nếu không sẽ làm biến đổi tính chất cũng như chất lượng của giấy...

Giờ đây, nghề làm giấy dó đối diện với nhiều khó khăn: Thiếu vùng trồng nguyên liệu, thiếu người am hiểu kỹ thuật làm giấy của cha ông. Theo họa sĩ Vũ Thái Bình, sự tồn tại của mọi thứ luôn theo quy luật cung - cầu. Anh lo lắng về sự tồn tại của nghề làm giấy dó, bởi riêng anh cũng như các họa sĩ chỉ có thể làm theo sức của mình. “Tôi có những người bạn đang tìm cách xuất khẩu giấy dó. Càng nhiều người làm thì sự lan tỏa càng lớn, tạo thêm công việc cho người dân làng nghề. Chúng tôi đã tổ chức những workshop chia sẻ kinh nghiệm làm giấy thủ công, trao đổi với phía Hàn Quốc, Nhật Bản, Nepal cũng có nghề làm giấy...” - họa sĩ Vũ Thái Bình nói.

Ý thức được giá trị của nghề làm giấy truyền thống, họa sĩ Trần Thị Thu đã động viên bà con ở Hòa Bình chủ động mở rộng diện tích trồng cây giang, tạo vùng nguyên liệu mới. Dần dần, tiếng lành đồn xa, giấy giang của bà con Hòa Bình đã đến với nhiều họa sĩ trong nước, được xuất khẩu ra nước ngoài. Chị cũng đang kết hợp với nhà máy EcoSoi (Hà Nội) sản xuất giấy dứa.

“Sau mỗi vụ thu hoạch quả dứa, lá dứa bị bỏ đi, chất thành đống. Người nông dân phải tốn nhiều chi phí để xử lý, thậm chí xịt thuốc diệt cỏ, đốt..., ảnh hưởng đến tài nguyên đất. Bây giờ có thể nâng cao giá trị cây dứa, lá dứa, tạo thành các sản phẩm như sợi dứa, giấy dứa, vải dứa. Sợi dứa dai, bền, có thể tạo nên những sản phẩm giấy dứa không quá phức tạp như các loại giấy giang, giấy chuối” - họa sĩ Trần Thị Thu nói.

Con đường với giấy truyền thống đang mở rộng với bất cứ ai. Những năm gần đây, nhiều cuộc triển lãm hội họa về giấy dó, giấy giang... liên tục được tổ chức, cho thấy vẻ đẹp bền bỉ của chất liệu này. Giấy truyền thống đang trở thành cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật cổ truyền Việt Nam.

Phương Thúy

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 30/10/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT