Non nước Việt Nam

Khánh Hòa: Làng nghề xoi trầm ở Vạn Ninh - Cần thêm cú hích để phát triển

Cập nhật: 03/11/2023 09:16:36
Số lần đọc: 683
Năm nay, làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) tiếp tục được quan tâm để duy trì và phát triển theo định hướng gắn với du lịch. Ngoài sự đầu tư về hạ tầng, kỹ năng, làng nghề này đang cần vùng nguyên liệu ổn định và có cơ sở chứng minh về nguồn gốc sản phẩm.

Định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch

Tỉ mẩn đẽo gọt khúc dó bầu để loại bỏ đi phần giác, chỉ giữ lại phần có trầm, ông Dương Ngọc Thời (thôn Phú Hội 1) cho biết, ông có gần 40 năm gắn bó với nghề xoi trầm. Ngày xưa, ông cùng thanh niên trong làng vào tận rừng sâu, núi cao để tìm cây dó bầu về chế tác. Ngày nay, cây dó bầu đã được trồng ở nhiều vùng trên cả nước cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề xoi trầm ở Vạn Thắng.

Chế tác trầm tại Hợp tác xã Trầm Hương Vạn Thắng.

Theo lãnh đạo UBND xã Vạn Thắng, người dân trong xã đã gắn bó với nghề xoi trầm hàng trăm năm nay. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ làm nghề. Nơi đây đã hình thành Hợp tác xã (HTX) Trầm hương Vạn Thắng nhằm tập hợp các thành viên cùng phát triển nghề chế tác trầm của địa phương. Làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1 đã được tỉnh công nhận là làng nghề vào năm 2016 và tháng 10 vừa qua được xác định là có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Với những ưu thế đó, những năm qua, làng nghề đã được chính quyền quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề, liên kết quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… để khôi phục, duy trì và phát triển. Riêng năm 2023, làng nghề được tỉnh và địa phương hỗ trợ để phát triển ngành nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, cốt lõi là xây dựng điểm du lịch trải nghiệm tại làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1. Nguồn kinh phí thực hiện hơn 3,5 tỷ đồng (trong đó gần 2,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng) được dùng để đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho người làm nghề; kỹ năng quản lý điểm du lịch, quản lý kinh doanh cho HTX và hộ làm nghề; đầu tư mở rộng, cải tạo khu trưng bày, kinh doanh và trải nghiệm của làng nghề để phục vụ du khách; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu làng nghề từ mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói đến bảo hộ sở hữu thương hiệu trầm hương…; in ấn và phát quảng bá các bản đồ, tờ rơi hướng dẫn du khách đến với làng nghề...

Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, triển khai kế hoạch của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2023 trên địa bàn huyện. Trong đó, có nội dung hỗ trợ phát triển làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1 với mục tiêu tạo không gian cho người dân, du khách có thể trải nghiệm đời sống, không khí lao động ở làng nghề, trực tiếp chế tác và mua sắm các sản phẩm từ làng nghề chế tác trầm ở Vạn Thắng.

Ý tưởng về vùng trồng dó bầu tập trung

Ông Lê Minh Thanh - thành viên HTX Trầm hương Vạn Thắng cho biết, những năm qua, các thành viên trong HTX đã tập trung phát triển ngành nghề, sản xuất, chế tác trầm để cung cấp cho thị trường các sản phẩm về trầm cảnh mỹ nghệ, vòng đeo tay, các loại nhang trầm (có tăm, không tăm, trầm nụ)… Cùng với kiến thức, kỹ năng lành nghề, người làm nghề đã mạnh dạn áp dụng máy móc, khoa học công nghệ để cho ra thị trường nhiều sản phẩm tinh xảo, chất lượng.

Ông Dương Ngọc Thời đẽo gọt dó bầu để làm nhang trầm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo HTX Trầm hương Vạn Thắng, hiện nay, nguồn nguyên liệu để chế tác trầm (cây dó bầu) đang được HTX thu mua ở nhiều vùng trên cả nước. Điều này không chỉ khiến nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, mà còn chưa thể chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu, trong khi để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm đòi hỏi phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chưa kể người tiêu dùng từ lâu đã đánh giá cao trầm hương Khánh Hòa, nhưng cách phân biệt trầm Khánh Hòa với trầm vùng khác vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cảm quan của người dùng mà chưa có giấy tờ chứng minh cụ thể. "Khánh Hòa là xứ trầm hương để nói trầm hương nơi đây được người thưởng trầm đánh giá cao về chất lượng hơn so với trầm hương vùng khác. Nhưng đến nay, xứ Trầm vẫn chưa hình thành được vùng nguyên liệu chế tác trầm là điều còn hạn chế. Do vậy, để xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu trầm hương Khánh Hòa, cần hình thành những vùng trồng dó bầu trong tỉnh” - ông Lê Minh Thanh cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, ý tưởng hình thành khu vực trồng dó bầu tập trung, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng đang được những người làm nghề xoi trầm ở xã Vạn Thắng, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn phối hợp khảo sát, xem xét. Về cơ bản, HTX Trầm hương Vạn Thắng cần chủ động hình thành vùng nguyên liệu của mình trước; trên cơ sở đó các cơ quan chức năng hỗ trợ, xem xét chứng nhận vùng trồng theo quy định.

Hồng Đăng

Nguồn: Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Ngày đăng 02/11/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT