Non nước Việt Nam

Hà Nội: Phát triển sản phẩm làng nghề gắn với du lịch

Cập nhật: 09/11/2023 10:19:57
Số lần đọc: 777
Với số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, hiện Hà Nội đang có nguồn tài nguyên phong phú và cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp sản xuất quà tặng hấp dẫn, đa dạng, đầy bản sắc văn hóa và mang tính đặc trưng của Thủ đô.

Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi làng nghề

Mới đây, tại phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) - nơi diễn ra Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023 với quy mô 70 gian hàng của các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm quà tặng lưu niệm đã thu hút hàng nghìn người đến tham quan, mua sắm. Đây là sự kiện du lịch lớn của thành phố Hà Nội.

Tham gia Lễ hội, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát (làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) cho biết, trong thời gian diễn ra Lễ hội, ông đã mang những tác phẩm độc bản để giới thiệu tới du khách tinh hoa làng nghề cũng như nét văn hóa đặc trưng của vùng Bắc Bộ. Ngoài ra, ông còn giới thiệu những món quà tặng được sáng tạo từ những thiết kế dành cho sơn mài mà ông đã đoạt các giải thưởng gần đây.

Sản phẩm của các làng nghề rất phong phú, đa dạng

Cùng tham gia Lễ hội, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử, thuộc Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội) cho biết ông đã mang tới và giới thiệu tại Lễ hội hàng trăm mẫu sản phẩm làm từ sừng của làng nghề Thụy Ứng (huyện Thường Tín). Trong đó có nhiều mẫu quà tặng mới như dụng cụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, trang sức được làm bằng sừng… đang rất được du khách ưa chuộng.

“Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023 tạo cơ hội lớn để những cơ sở sản xuất quà tặng được tiếp cận với đông đảo du khách, góp phần giới thiệu, quảng bá những sản phẩm quà tặng phong phú, đa dạng của Thủ đô”, ông Sử chia sẻ.

Đến Lễ hội cùng các thành viên trong gia đình, chị Nguyễn Kim Anh (trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) cho biết, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bày bán tại Lễ hội Quà tặng đa dạng về mẫu mã, giá cả cũng rất hợp lý. Chị và người thân đã mua được một số món đồ vừa để trưng ở nhà cho đẹp vừa làm quà tặng bạn bè.

Chị Kim Anh cũng chia sẻ, nhờ có những sự kiện như thế này mà người dân Thủ đô và du khách có cơ hội biết thêm được nhiều làng nghề nổi tiếng của Hà Nội và những sản phẩm đặc trưng của mỗi làng nghề.

Làng Vạn Phúc được trang trí rực rỡ để chào đón du khách đến tham quan, mua sắm

Ít ngày trước khi diễn ra Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023, tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng đã diễn ra Tuần Văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, từ cổng vào làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho đến những tuyến đường chính ở ngôi làng, đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu khi Tuần Văn hóa. Những tuyến đường trở thành “đường ô”, có nơi lại trở thành “phố diều”, khi cả tuyến phố dài hàng trăm mét được trang trí bằng những chiếc ô hay những cánh diều vải đủ các màu sắc.

Tại nhiều tuyến đường, nhiều khu tham quan, trải nghiệm, Ban tổ chức lắp đặt mô hình những guồng quay tơ để trang trí. Mỗi chiếc guồng quay tơ lại được cuốn những sợi màu khác nhau tạo nên sự hấp dẫn. Đây cũng là những khu vực được nhiều khách tham quan.

Ở phía cổng làng, một bức tranh tường với diện tích khoảng 100m2 tái hiện toàn bộ quá trình ươm tơ, se tơ, dệt lụa, phơi lụa… của người Vạn Phúc. Nhóm vẽ Mộc gồm những bạn trẻ và một số người dân trên địa bàn phường đã cùng nhau tạo nên bức tranh này.

Không gian ấy làm nền cho các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại với chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập”. Trong đó, nổi bật là các hoạt động như: Trình diễn thời trang Duyên dáng lụa Hà Đông, trình diễn áo dài nhí, các trò chơi dân gian, văn nghệ quần chúng (hát văn, hầu đồng, ca trù, quan họ, chèo); múa rối nước, hội thi vẽ tranh...

Lụa Vạn Phúc nức tiếng xưa nay

Tham gia Tuần Văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, chị Nguyệt Hà (trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Tôi thích sử dụng trang phục làm từ lụa tơ tằm vì khi mặc lên, trang phục lụa rất sang trọng, tinh tế và có phong cách riêng. Biết tin có Tuần Văn hóa tổ chức ở làng lụa Vạn Phúc nên tôi đã đến để tham quan và mua hàng. Tôi thấy các gian hàng được trưng bày rất đẹp, sản phẩm cũng có nhiều mẫu mã độc đáo”.

Hàng nghìn lượt người đến tham gia trải nghiệm trong những ngày diễn ra Tuần Văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã góp phần quảng bá, phát triển sản phẩm lụa Vạn Phúc.

Là người có hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt lụa, nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Lụa Vạn Phúc vẫn dùng nguyên liệu tự nhiên nên sản phẩm vừa óng, vừa mềm mại, khác xa các sản phẩm khác trên thị trường. Các sản phẩm lụa Vạn Phúc ngày nay đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã…”.

Theo tìm hiểu, Làng lụa Vạn Phúc có lịch sử hơn 1.000 năm. Bên cạnh nhiều mẫu lụa cổ, qua thời gian, các nghệ nhân còn sáng tạo thêm nhiều mẫu lụa mới, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, mỗi năm Làng lụa Vạn Phúc sản xuất khoảng 2,5-3 triệu mét lụa các loại. Làng lụa Vạn Phúc còn trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô.

Để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm…

Ngoài ra, tại đây còn có Hợp tác xã Vụn Art - một không gian sáng tạo sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa và một số sản phẩm thời trang, mỹ nghệ khác. Vụn Art là nơi giúp nhiều bạn trẻ bị khuyết tật có việc làm, thu nhập và có thể sáng tạo ra những sản phẩm của mình.

Lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề; tạo việc làm cho khoảng 2,3 triệu lao động nông thôn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, riêng Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Ðáng chú ý, các làng nghề Hà Nội hội tụ tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.

Nhiều du khách lựa chọn sản phẩm từ các làng nghề làm quà tặng

Tại các làng nghề, nhiều mặt hàng truyền thống đã có sức sống hàng trăm năm do những nghệ nhân, thợ truyền nghề qua nhiều thế hệ, vừa tạo việc làm ổn định cho các cư dân nông thôn, vừa lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền, dân tộc. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế của các sản phẩm nghề truyền thống ngày càng được nâng cao.

Cũng theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Thủ đô Hà Nội hiện là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất, trong đó, có nhiều làng nghề đã có từ lâu đời, phải kể đến như: Gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Ðộng, quạt Chàng Sơn, nón Chuông,…

Tính đến nay, đã có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận. Trong đó, số các làng nghề của Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là thế mạnh, những năm qua, Thành phố đã tập trung và triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề nổi tiếng, xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch; triển khai chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch…

Đặc biệt, làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch, phát triển sản phẩm nghề truyền thống thành những sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch. Hoạt động này vừa gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa vừa tạo nên giá trị tăng thêm cho một điểm đến du lịch.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong số hàng nghìn sản phẩm OCOP của Hà Nội đang có sự góp mặt rất lớn các sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống. Ðể quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã tổ chức liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện rất nhiều hội chợ, sự kiện vừa nhằm tôn vinh giá trị sản phẩm vừa khuyến khích các chủ thể OCOP tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm OCOP nhằm khẳng định thương hiệu trong nhận thức của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Thành phố khuyến khích các chủ thể OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị và công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện, giá trị văn hóa, lịch sử, từng vùng miền, từng làng nghề truyền thống để mỗi sản phẩm OCOP đều có những nét đặc sắc riêng về lịch sử, văn hóa của mình.

Hà Phong

Nguồn: Báo Lao động thủ đô - laodongthudo.vn - Ngày 06/11/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT