Tin tức - Sự kiện

Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2025 - tự hào hành trình lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc Việt

Cập nhật: 07/04/2025 11:13:43
Số lần đọc: 90
(TITC) - Tối ngày 6/4, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, TP. Hoa Lư, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2025. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt của tỉnh Ninh Bình. Với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Lễ hội Hoa Lư có giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong tỉnh và du khách thập phương.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Buổi lễ có sự hiện diện của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Cà Mau, Nam Định... cùng đông đảo người dân, du khách thập phương.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình và thành phố Hoa Lư cùng với những kết quả quan trọng đạt được trong sự nghiệp bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên vùng đất Cố đô, nhất là gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Hoa Lư, góp phần quan trọng vào việc quảng bá những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những nét văn hóa đặc sắc của đất nước và con người Việt Nam.

Lễ hội Hoa Lư là một hoạt động văn hóa quan trọng được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân. Đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh trống khai mạc Lễ hội Hoa Lư (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Nhằm tiếp tục phát huy những giá trị di sản, trong đó có Lễ hội Hoa Lư, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; đồng thời góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành một Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố sáng tạo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó lấy du lịch, công nghiệp văn hoá làm cụm ngành mũi nhọn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đột phá. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; phát triển xứng tầm với truyền thống lịch sử, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư.

Tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, giá trị độc đáo riêng có của tỉnh Ninh Bình, nhất là các giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Chú trọng phát triển bền vững, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương (đầu tiên từ trái sang phải) dự buổi lễ

Cần nghiên cứu, làm sâu sắc thêm các giá trị lịch sử - văn hóa của Cố đô Hoa Lư, Nhà nước Đại Cồ Việt. Đặc biệt, tăng cường bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Lễ hội Hoa Lư. Trong đó, phát huy vai trò chủ đạo của cộng đồng người dân tỉnh Ninh Bình trong bảo tồn giá trị của Lễ hội. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về Lễ hội; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo tồn không gian tâm linh linh thiêng của Lễ hội.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ Lễ hội Hoa Lư, nhất là trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ các hoạt động bảo tồn và phát huy Lễ hội Hoa Lư với các hoạt động du lịch tại khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, hơn 1.000 năm đã trôi qua, Cố đô Hoa Lư đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc, là mạch nguồn hình thành kinh đô Thăng Long và sự phát triển rực rỡ của các thể chế phong kiến trong các giai đoạn tiếp sau. Linh khí Hoa Lư vẫn còn nguyên vẹn với không gian trầm tĩnh, uy linh, vẹn nguyên trong tâm thức, trong đời sống sinh hoạt của người dân Cố đô.

Những giá trị đặc sắc, tiềm năng thế mạnh về văn hóa, lịch sử cảnh quan thiên nhiên của Cố đô Hoa Lư đã và đang được tỉnh Ninh Bình bảo tồn và phát huy, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh một cách hài hòa, bền vững, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, tổ chức sự kiện của vùng, quốc gia và quốc tế, xứng với bề dày lịch sử của vùng đất kinh đô xưa.

Biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại buổi lễ (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Lễ hội Hoa Lư năm 2025 diễn ra từ ngày 6 đến 8/4/2025 (tức ngày 9 - 11/3 âm lịch) tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, TP. Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Lễ hội gồm các nghi lễ truyền thống (Lễ mở cửa đền, Lễ rước nước, Lễ mộc dục, Lễ dâng hương, Lễ tiến phẩm, Lễ rước kiệu, Tế cửu khúc, Tế lễ cổ truyền, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ hội hoa đăng, Lễ tạ) và các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, các hoạt động trưng bày, triển lãm, quảng bá lễ hội.

Bên cạnh các hoạt động được tổ chức theo thông lệ, năm nay, Lễ hội Hoa Lư được tổ chức với nhiều sự kiện, hoạt động mới như Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp bà Phạm Thị Trân - tổ nghề sân khấu Việt Nam; Hội thảo khoa học và triển lãm “Trang phục và cổ phục thời Đinh”; hoạt động quảng bá du lịch Ninh Bình thông qua Liên hoan các đội tuyên truyền; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu biểu của các huyện, thành phố…

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 06/4/2025

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT