Ninh Bình phấn đấu “về đích sớm” trong Năm du lịch quốc gia 2020
Tràng An đã thay đổi diện mạo du lịch Ninh Bình
Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh trao đổi về vị trí quan trọng của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội và về kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này.
Xin ông cho biết, du lịch đóng vai trò quan trọng như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tại Ninh Bình?
Ninh Bình là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hũng vĩ, nên thơ của núi non, sông nước và hệ thống các hang động xuyên thủy độc đáo, kỳ ảo. Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Nhận thức sâu sắc những giá trị di sản vô giá, tiềm năng du lịch to lớn đó, tỉnh Ninh Bình luôn xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ninh Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình hành động để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 03 năm 2001, Nghị quyết số 15/NQ-TU năm 2009 của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Ninh Bình đặt kế hoạch trở thành trung tâm du lịch lớn của vùng duyên hải Bắc Bộ, của cả nước cùng định hướng phát triển du lịch bền vững, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa.
Những chủ trương, chính sách, quan điểm phát triển du lịch này đã tạo nên những động lực, cơ sở quan trọng huy động các nguồn lực xã hội ở trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển du lịch. Chỉ tính từ năm 2010, các doanh nghiệp đã đầu tư khoảng gần 20.000 tỷ đồng cho phát triển du lịch Ninh Bình.
Du lịch Ninh Bình những năm trở lại đây có sự phát triển vô cùng ấn tượng. Xin ông cho biết đôi nét về kết quả ấn tượng này?
Phải nói rằng, sự phát triển ấn tượng của du lịch Ninh Bình những năm trở lại đây có được là từ cách thức gìn giữ, khai thác và phát triển du lịch bền vững, dựa vào di sản thiên nhiên và văn hóa, dựa vào cộng đồng địa phương.
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018, khách du lịch đến Ninh Bình tăng 12% mỗi năm, doanh thu du lịch tăng 25,4%/năm. Chỉ tính riêng năm 2018, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đạt 7,3 triệu lượt, doanh thu đạt trên 3.200 tỷ đồng. Du lịch hiện tạo việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó có khoảng 15.000 là người dân địa phương tại các khu, điểm du lịch của tỉnh.
Các cơ sở hạ tầng du lịch được xây dựng kết nối các tuyến điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, có sự đổi mới về cách thức, nội dung đạt hiệu quả tích cực; nhân lực du lịch từng bước được chuẩn hóa và nâng cao chất lượng; nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch từng bước được nâng lên, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh. Cùng với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ đi kèm, ngành du lịch Ninh Bình cũng đang nỗ lực nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch để “níu chân” du khách ở lại.
Những năm gần đây, Ninh Bình đã xây dựng các tuyến du lịch mới như tuyến tham quan số 2 và 3 ở Khu du lịch sinh thái Tràng An; phát triển thêm một số sản phẩm du lịch hấp dẫn mới như xây dựng khu văn hóa nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Giao (TP Tam Điệp), sân gôn Hoàng Gia, sân gôn Tràng An, khu ngâm khoáng nóng trị liệu (huyện Nho Quan),...
Trong quá trình phát triển, thách thức nào đang đặt ra với ngành du lịch Ninh Bình?
Thời gian qua, lượt khách đến Ninh Bình đông nhưng lượng khách lưu trú ít, thời gian lưu trú ngắn. Các cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu kinh doanh 2 dịch vụ cơ bản là ăn và nghỉ, các dịch vụ bổ sung chưa được quan tâm. Ninh Bình còn thiếu các khu vui chơi giải trí, mua sắm nhất là các khu vui chơi giải trí, mua sắm về đêm; nhân lực tham gia làm dịch vụ du lịch chưa chuyên nghiệp. Do đó, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao…
Tràng An đã thay đổi diện mạo du lịch Ninh Bình
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch Ninh Bình cũng đang đứng trước hàng loạt thách thức như: sức ép về trách nhiệm bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch với phát triển các loại hình du lịch vui chơi giải trí, sự thay đổi sinh kế và các giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương do tác động của du lịch, tác động của biến đổi khí hậu; giữa việc làm thế nào để đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa như thế nào cho vừa hiệu quả, vừa bền vững, vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ, mạng xã hội để quảng bá giới thiệu về điểm đến du lịch…
Năm 2020, Việt Nam chọn Ninh Bình là nơi đăng cai tổ chức sự kiện Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm”. Vậy chương trình Năm du lịch quốc gia 2020 có gì đặc sắc thưa ông?
Xác định việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình do đó, UBND tỉnh đã sớm chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP tập trung chuẩn bị các điều kiện cơ sở sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để tổ chức thành công sự kiện này. Hiện, Sở Du lịch đang phối hợp với các sở, ngành trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban tổ chức, các tiểu ban và ban hành Kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2020 - Ninh Bình.
Dự kiến, “Năm Du lịch quốc gia 2020 – Hoa Lư, Ninh Bình” tổ chức khoảng 30 hoạt động trong tỉnh gồm: Lễ Khai mạc vào tháng 2/2020, Lễ hội Chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Tuần Du lịch “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”, Vòng Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Kinh đô ASEAN, Hội chợ thương mại du lịch… Các hoạt động trọng tâm và hoạt động hưởng ứng sẽ diễn ra trong suốt năm 2020 tại Ninh Bình và 24 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngoài nhiệm vụ trước mắt chuẩn bị cho Năm du lịch quốc gia, về lâu dài, du lịch Ninh Bình xác định nhiệm vụ nào quan trọng và cần triển khai xuyên suốt?
Theo tôi, có 2 nhiệm vụ quan trọng nhất cần thực hiện xuyên suốt, đồng bộ đó là tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch và xây dựng nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong đó, việc xác định khu vực trọng điểm để đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư, tôn tạo các khu du lịch nổi tiếng như quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, Cồn Nổi, Vân Long... là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, Ninh Bình cũng cần tập trung đầu tư cho các dự án mang tính đột phá có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch như: Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Cố đô Hoa Lư; Khu du lịch sinh thái Tràng An; Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế; phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn; cơ sở hạ tầng Cồn Nổi; Kênh Gà - Vân Trình; Công viên động vật hoang dã; Chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu, các dịch vụ vui chơi giải trí, lưu trú, ăn uống cao cấp…
Thời gian tới, để gia tăng hàm lượng văn hóa và sự độc đáo của điểm đến, Sở Du lịch Ninh Bình sẽ làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế nghiên cứu xây dựng khu trưng bày giới thiệu, diễn giải các giá trị của di sản, trọng tâm là việc phục dựng cuộc sống của người tiền sử tại Tràng An, quá trình con người sinh sống thích ứng với sự biến đổi to lớn của môi trường, cảnh quan khu vực Tràng An để giúp cho du khách hiểu hơn về di sản thế giới Tràng An, đặc biệt là về mảnh đất và con người Ninh Bình.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2020 Đinh Văn Điến: “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những nhiệm vụ then chốt để phát triển du lịch”:
Tại phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2020 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho biết mặc dù phát triển mạnh về du lịch tâm linh trong nhiều năm qua nhưng cơ sở vật chất hiện nay tại Ninh Bình chỉ đáp ứng được khoảng 8-10 triệu lượt khách. Vào thời điểm đầu năm, lượng khách du lịch đến Ninh Bình rất đông nên buộc phải phân tour, tuyến hợp lý nếu không sẽ xảy ra tình trạng ách tắc. Chính vì vậy, để tổ chức các hoạt động cho Năm Du lịch Quốc gia 2020, ngay từ thời điểm này, tỉnh cũng lên kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để chuẩn bị đón lượng khách lớn hơn trong năm tới.
Du lịch Ninh Bình qua các con số:
· 3 là số lượng đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể mà tỉnh Ninh Bình đang triển khai thực hiện gồm: Lễ hội Hoa Lư, nghệ thuật hát Xẩm, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt.
· 218 là số lượng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của người dân và du khách.
· 1499 là số lượng di tích toàn tỉnh Ninh Bình hiện có, trong đó có 360 di tích đã xếp hạng, gồm 79 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 01 di sản thế giới) và 279 di tích cấp tỉnh;
· 24.230 là số lượng hiện vật được bảo tàng Ninh Bình lập hồ sơ lý lịch đưa vào quản lý, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống ở địa phương
· 6,5 triệu là số lượt khách tham quan Ninh Bình được thống kê trong 9 tháng đầu năm 2019. Con số này tăng 2,13% so với cùng kỳ 2018. Doanh thu ước đạt 2.900 tỷ đồng.
· 7,3 triệu là số lượt khách tham quan Ninh Bình được thống kê trong năm 2018, doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng tăng 19,2% so với năm 2017.
Phương Thanh – Gia Hồng