Ninh Giang (Hải Dương): Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Linh thiêng di tích lịch sử
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, huyện Ninh Giang có nhiều di tích lịch sử, văn hóa là các ngôi đình, đền nổi tiếng linh thiêng như: đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ, chùa Tranh, đình Trịnh Xuyên...
Đền Tranh còn được gọi là đền Quan lớn tuần Tranh, thuộc xã Đồng Tâm. Đền nằm ở ngã ba sông Luộc, nơi giao thoa giữa ba tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Thái Bình. Đền Tranh vốn được xây dựng trên nền một ngôi miếu cổ có từ thời Hùng Vương. Miếu này có tên là Giang Tranh Đại vương cổ miếu, nằm bên bến sông Tranh, sát thị trấn Ninh Giang. Sau này đền được xây dựng trên khu đất cao, đẹp, nhiều cây cổ thụ sum suê tại làng Tranh Xuyên như hiện nay. Với lối kiến trúc phỏng theo thời Lê, Nguyễn, đền còn bảo lưu một số di vật, cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như tượng quan lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200 kg, pho tượng tứ trụ bằng đá, bát hương…
Linh thiêng di tích lịch sử
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, huyện Ninh Giang có nhiều di tích lịch sử, văn hóa là các ngôi đình, đền nổi tiếng linh thiêng như: đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ, chùa Tranh, đình Trịnh Xuyên...
Đền Tranh còn được gọi là đền Quan lớn tuần Tranh, thuộc xã Đồng Tâm. Đền nằm ở ngã ba sông Luộc, nơi giao thoa giữa ba tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Thái Bình. Đền Tranh vốn được xây dựng trên nền một ngôi miếu cổ có từ thời Hùng Vương. Miếu này có tên là Giang Tranh Đại vương cổ miếu, nằm bên bến sông Tranh, sát thị trấn Ninh Giang. Sau này đền được xây dựng trên khu đất cao, đẹp, nhiều cây cổ thụ sum suê tại làng Tranh Xuyên như hiện nay. Với lối kiến trúc phỏng theo thời Lê, Nguyễn, đền còn bảo lưu một số di vật, cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như tượng quan lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200 kg, pho tượng tứ trụ bằng đá, bát hương…
Lễ hội đền Tranh còn là lễ hội tưởng niệm những chiến công của các vị tướng qua các triều đại phong kiến. Theo truyền thuyết, Lê Hoàn khi đem quân đi đánh giặc Tống đã làm lễ tế ở đền Tranh. Sau này, thế kỉ XIII, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên Mông cũng làm lễ tế tại đền Tranh và giành thắng lợi. Đền Tranh luôn là nơi “đi trình, về tạ” của tất cả những người đi sông nước trong vùng. Đặc biệt, quan lớn tuần Tranh là vị quan đệ ngũ trong tín ngưỡng tứ phủ nên đền gắn liền với hoạt động diễn xướng hầu thánh đặc sắc. Đền Tranh đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, ngày càng thu hút đông đảo du khách xa gần.
Cách đền Tranh 9 km là đền thờ anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ. Đền nằm giáp đê sông Luộc, đặc sắc với các công trình kiến trúc bằng đá như chiếc cầu đá, sân hội và các bức phù điêu được ghép bằng các tảng đá lớn. Đền là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhằm tôn vinh người anh hùng dân tộc vào đầu thế kỉ thứ X, người đã có công đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ của Việt Nam sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Chùa Trông thuộc xã Hưng Long, là một di tích lịch sử có quy mô lớn mang tính quần thể, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo nhân dân trong vùng gắn với những lễ hội độc đáo. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, dưới thời vua Lý Nhân Tông (1010 - 1225), được trùng tu tôn tạo vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Đền thờ Minh Không Thiền sư Nguyễn Chí Thành, một cao tăng thời Lý có công lớn trong việc chữa khỏi bệnh cho vua và được nhà vua phong tặng là “Lý triều Quốc Sư”. Với giá trị nghệ thuật và lịch sử, chùa Trông là một ngôi chùa lớn có ảnh hưởng tới đời sống tâm linh của người dân trong vùng.
Đình Trịnh Xuyên ở xã Nghĩa An được xây dựng vào thời hậu Lê, thờ thành hoàng Vũ Đức Phong, người có công giúp vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) đánh giặc Chiêm Thành cứu nước. Bước qua cổng đình, du khách được chiêm ngưỡng không gian kiến trúc truyền thống mở ra khiến người ta ngỡ ngàng. Ấn tượng trước tiên là 3 gian tiền tế với 16 cột gỗ lim lớn, không có tường bao. Các đao, guột được tạo dáng hình đầu rồng. Các vì, bẩy được chạm nổi tinh xảo hình rồng, phượng, vân mây, hoa, lá cách điệu. Hai bên cạnh tòa tiền tế là hai dãy nhà dải vũ, mỗi dãy 5 gian càng làm cho ngôi đình thêm cổ kính.
Không chỉ độc đáo về kiến trúc, lễ hội đình Trịnh Xuyên cũng khiến ai một lần được tham dự không thể quên bởi nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: pháo đất, đi cầu thùm, đập niêu, cờ người... mang đậm bản sắc của cư dân vùng châu thổ sông Hồng.
Đặc sắc sản vật, nghệ thuật dân gian
Đến Ninh Giang, du khách sẽ cảm nhận được cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống con người hài hoà, cùng với sự đa dạng và phong phú không chỉ về văn hóa tinh thần mà còn cả những sản phẩm văn hóa vật chất, các trò chơi dân gian nổi tiếng được truyền tụng lâu đời.
Vùng đất Ninh Giang nức tiếng xa gần với đặc sản bánh gai. Dân gian cho rằng ông tổ làm nghề bánh gai là Yết Kiêu, danh tướng thời Trần, Đệ nhất Bộ đô soái thuỷ quân trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Trong khi nằm phục giặc ở ven sông, ông đã phát hiện ra lá cây gai ăn được. Khi về vùng này, ông cho dân lấy gạo nếp, lá gai ninh nhừ, luyện đều, gói thành bánh ăn. Qua sự kế thừa và sáng tạo của nhiều thế hệ, kỹ thuật làm bánh gai được cải tiến dần và ngon như ngày nay. Nguyên liệu chính để làm bánh gồm: lá gai, gạo nếp, đậu xanh, đường mía (mật), dừa nạo, mỡ lợn, vừng, đường kính trắng, mứt bí đao, mứt sen và dầu chuối. Bánh gai Hải Dương gần gụi, dân dã không chỉ là vật phẩm quý, món quà quý để biếu người thân trong nước mà còn là món quà xuất đi nước ngoài, dành cho mỗi người Việt Nam ở xa Tổ quốc mang nỗi nhớ hương vị quê hương.
Bên cạnh bánh gai, Ninh Giang còn có đặc sản thịt trâu tươi. Đó là thịt của con trâu khỏe mạnh, không bị bơm nước. Khi chế biến, thịt không ra nhiều nước, xào không đảo nhanh tay thì sẽ dính chảo và dễ bị cháy. Cách thưởng thức thịt trâu cũng khác biệt. Bởi thịt trâu là phải ăn nóng. Vì thế khi về Ninh Giang thực khách sẽ được thưởng thức từng món nóng hổi của nhà hàng được chế biến từ thịt trâu tươi ngon, vừa ăn vừa chờ vài phút để được thưởng thức món mới.
Đến với Ninh Giang du khách còn được thưởng thức một loại hình sân khấu dân gian cổ truyền đặc sắc: múa rối nước. Sân khấu là mặt nước ao hồ và sông nước. Các trò diễn tả các cảnh sinh hoạt, sản xuất của làng quê Việt Nam truyền thống như: đi cày, mẹ cấy, em bé chăn trâu, anh chị quăng chài, chăn vịt, thả cá, cả làng vui hội vui hè, đấu vật, rước thánh, rước thần, hát chèo, hát tuồng, đánh đu, đua thuyền, thi bơi, múa lân, múa tiên, đua ngựa, đấu kiếm... Đây là món ăn tinh thần, một trò vui giải trí lành mạnh không chỉ của người dân Hải Dương mà còn với du khách thập phương và quốc tế.
Ở Ninh Giang, mỗi độ nông nhàn, người dân lại háo hức tổ chức trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là pháo đất. Pháo đất thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Ai cũng có thể chơi, đã ra hội pháo con người ta như trút bỏ mọi mệt mỏi để về với cội nguồn dân tộc. Đất cũng gắn bó với họ trong trò chơi, đất vốn im lặng nhưng dưới bàn tay của con người biết cất lên tiếng nói như một lời tri ân về mùa màng bội thu, xua tan những vất vả mệt nhọc cùng tà khí để hướng về một cuộc sống sung túc hơn. Địa phương ở Ninh Giang nổi tiếng nhất với trò chơi pháo đất là xã Nghĩa An đã giành nhiều giải thưởng trong các dịp liên hoan pháo đất toàn tỉnh./.