Bắc Giang: Gìn giữ và phát huy di sản hát văn, hát chầu văn
Liên hoan Hát văn, hát chầu văn tỉnh Bắc Giang lần thứ III nằm trong Lễ hội Xuân và Tuần văn hóa du lịch “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” năm 2019. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là không gian văn hóa - Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử, tạo sự đột phá về thu hút khách du lịch, phấn đấu đưa du lịch văn hóa - tâm linh Tây Yên Tử trở thành sản phẩm du lịch quan trọng của tỉnh.
Ông Nguyễn Sỹ Cầm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: Liên hoan được tổ chức trong hai ngày 17 và 18/2 với sự tham gia của 15 đoàn nghệ thuật, câu lạc bộ hát chầu văn trong tỉnh. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát huy Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bắc Giang là địa phương hiện đang gìn giữ và phát huy có hiệu quả di sản này nhưng cũng đặt ra trách nhiệm với các cấp, các ngành và cộng đồng có di sản trong việc bảo tồn và phát huy di sản đã được quốc tế công nhận. Theo ông Nguyễn Sỹ Cầm, việc tổ chức Liên hoan hát văn, hát chầu văn tỉnh Bắc Giang là việc làm thiết thực nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản mang đậm bản sắc dân tộc của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, tôn vinh giá trị của hát văn, hát chầu văn không chỉ ở góc độ nghệ thuật, văn hóa mà còn ở tinh thần đại đoàn kết dân tộc; đồng thời giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và quý trọng các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, đem đến cho quần chúng nhân dân cái nhìn đúng đắn, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát văn, hát chầu văn.
Tại Liên hoan, các diễn viên, nghệ nhân, thanh đồng sẽ trình diễn dưới hai hình thức. Đối với hát văn, dùng lời hát văn cổ phổ lời mới với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, con người và truyền thống xây dựng đất nước. Đối với hát chầu văn, diễn xướng 36 giá đồng truyền thống, ca ngợi thần linh, thánh Mẫu và các anh hùng có công với dân tộc với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của loại hình di sản này.
Đây là dịp để các đoàn nghệ thuật, các câu lạc bộ hát chầu văn trong tỉnh Bắc Giang có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, góp phần xây dựng và bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của nghệ thuật hát chầu văn trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Dịp này cũng long trọng diễn ra lễ khánh thành Đền Hạ, Nhà hát văn Suối Mỡ. Đây là một công trình rất có ý nghĩa với hoạt động hát văn, bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát văn và phát triển du lịch của khu Suối Mỡ nói riêng, du lịch tỉnh Bắc Giang nói chung.
Đền Hạ từ lâu đã được nhân dân trong và ngoài tỉnh Bắc Giang biết đến là một địa điểm linh thiêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Người xưa đã có câu “Mái đền che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của tổ tông” về nơi người dân gửi gắm tâm linh và lòng sùng kính của mình.
Đây là nơi nhân dân địa phương và du khách thập phương về cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”, hàng năm vào ngày 30/3 và 1/4 âm lịch, nhân dân các dân tộc vùng chân núi sườn Tây Yên Tử, huyện Lục Nam (Bắc Giang) lại nô nức trẩy hội Suối Mỡ. Chính vì thế, lễ hội đền Suối Mỡ đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong vùng.
Từ năm 1988, đền Suối Mỡ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Suối Mỡ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Theo các đánh giá, Đền Hạ là một trong ba ngôi đền có quy mô và diện tích lớn nhất trong hệ thống đền Suối Mỡ. Dưới bóng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, Đền Hạ vẫn giữ được nét uy nghi, rêu phong cổ kính. Trong đền hiện có giữ được ba pho tượng đồng quý hiếm. Do thời gian tàn phá, trải qua nhiều biến cố, Đền Hạ xuống cấp.
Sau một thời gian tích cực triển khai dự án tu bổ, tôn tạo, hạng mục nghi môn và điện thờ chính tại Di tích đền Hạ được quy hoạch với diện tích khoảng 6.600m2. Nhà tiền bái được xây mới gồm ba gian hai trái, có bốn hàng chân. Nhà đại bái được xây mới gồm ba gian, hình thức kiến trúc kiểu tường thu hồi bít đốc. Hậu cung và nghi môn được tu bổ để phù hợp với kiến trúc, cảnh quan của khu vực đền Hạ. Khuôn viên sân đền được tôn tạo trên nền sân cũ với diện tích 565,5m2.
Bên cạnh dự án tôn tạo, tu bổ đền Hạ, nhằm bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ và Đức Thánh Trần, đáp ứng mong ước của nhân dân, công trình nhà hát văn cũng được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lục Nam phê duyệt. Dự án có tổng diện tích là 2628m2, trong đó nhà hát văn có diện tích 133m2, sân được thiết kế bao quanh sân cũ có diện tích 242m2. Sân lễ hội bằng đất tự nhiên được tôn tạo trên nền sân cũ có diện tích 1658m2. Khi khánh thành đưa vào sử dụng, đây là nơi tổ chức các chương trình biểu diễn hát văn, hát chầu văn phục vụ nhân dân và khách thập phương đến thưởng thức./.