Nông dân An Giang làm du lịch
Từ du lịch vườn
Nép mình bên Hương lộ 13 (đoạn từ xã An Cư về hồ Ô-tứk-sa) là Điểm DL sinh thái Vườn Quýt của anh Đỗ Thanh Toàn. Đây là mô hình thuộc Dự án phát triển trục DL sinh thái đang được UBND TX. Tịnh Biên xây dựng, phục vụ du khách muốn trải nghiệm, khám phá vườn trái cây xanh mướt và “đắm mình” trong không gian trong lành của thiên nhiên.
Anh Toàn cho biết, vườn quýt hiện có 1.200 cây (đã gần 10 năm tuổi) với diện tích khoảng 1ha. Lúc đầu, anh có ý định trồng quýt để bán chợ như những nhà vườn khác. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu tương đối cao của du khách trong việc thưởng thức cảnh vật, cây trái và ẩm thực vườn, anh Toàn quyết định làm DL nông nghiệp. Mục tiêu của nông dân xứ núi này là, khai thác tối đa lợi nhuận từ cây quýt và tận dụng ưu thế về DL của vùng đất núi non hùng vĩ.
Ông Nguyễn Văn Sam (bìa phải) được tôn vinh là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023
“Tôi thấy du khách muốn khám phá, tìm hiểu vườn trái cây để chụp ảnh rồi thưởng thức ẩm thực nên mới phát triển mô hình này. Từ khi khai trương Điểm DL sinh thái Vườn Quýt, tôi thấy du khách gần xa tìm đến khá nhiều. Đa phần đều hài lòng khi được nếm thử món ăn xứ vườn, cũng như tham quan vườn quýt vào mùa rộ trái” - anh Toàn chia sẻ.
Điểm DL sinh thái Vườn Quýt của anh Toàn phục vụ đặc sản gà đốt lá chúc cùng các món ăn theo nhu cầu của thực khách. Ngoài ra, du khách có thể tham quan, chụp ảnh với vườn quýt và hái trái thưởng thức. Hiện nay, anh Toàn dựng hẳn một căn chòi trên cây để làm điểm tham quan mới cho du khách.
Cảm giác vừa thưởng thức gà đốt lá chúc, vừa ngắm nhìn những vườn cây xanh mát và mấy rặng núi mờ ảo xa xa là trải nghiệm thú vị mà bất cứ ai muốn thử một lần. Bên cạnh đó, anh Toàn cũng có nguồn thu từ vườn quýt của mình với năng suất từ 12 - 16 tấn/vụ. Đồng thời, anh Toàn còn xử lý kỹ thuật để đón vụ quýt Tết nhằm nâng cao nguồn thu từ mảnh vườn nằm dưới chân núi Cấm này.
Trong mục tiêu phát triển các trục DL sinh thái của địa phương, UBND TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) ưu tiên phát triển Hương lộ 6 (phường An Phú), Hương lộ 13 (xã An Cư) và trục Nhà Bàng - Thới Sơn với đoạn từ miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp về chùa Phật Thới Sơn. Với 3 trục DL này, địa phương đã vận động các hộ dân cùng tham gia canh tác vườn cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kết hợp phát triển dịch vụ ẩm thực để phục vụ du khách.
Không chỉ dưới đồng bằng, hoạt động DL sinh thái vườn được ngành chuyên môn và nông dân chuyên trồng vườn trên núi tham gia phát triển. Với sự quan tâm của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, nhiều chủ vườn quýt trên núi Cấm đã tham gia làm DL.
Trên núi Cấm có 25 hộ dân canh tác quýt hồng, diện tích hơn 20ha; đã hình thành Tổ hợp tác trồng quýt hồng núi Cấm. Mỗi năm vào vụ rộ, khung cảnh vườn quýt trở nên cuốn hút, các bạn trẻ có thể thoải mái “check-in”. Tuy nhiên, để ý tưởng này thành hiện thực, cần có sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ DL để nông dân trên núi có thể tham gia phục vụ DL hiệu quả hơn.
Đến khu du lịch sinh thái
Là nông dân An Giang vinh dự được góp mặt trong 100 nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, ông Nguyễn Văn Sam (xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn) là điển hình về ý chí phấn đấu vươn lên làm giàu từ DL.
Cả đời dãi nắng dầm mưa, ông Sam nhận thấy việc trồng lúa vốn phụ thuộc vào thương lái, thị trường và thời tiết. Điệp khúc “được mùa, mất giá” hay “được giá, mất mùa” cứ lặp đi lặp lại, khiến đời sống nông dân chỉ quanh quẩn với 2 chữ “đủ ăn”. Nghĩ mãi, ông quyết định lựa chọn con đường làm DL gia đình, vì đây là hướng đi đảm bảo nguồn thu ổn định.
Các bạn trẻ thích thú “check-in” vườn quýt hồng trên núi Cấm
Nghĩ sao làm vậy, ông Sam chuyển đổi từ đất trồng lúa và đất vườn tạp sang thực hiện mô hình DL nông nghiệp, với diện tích 12ha. Bên cạnh việc phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm cảm giác thư thả của đồng quê, ông Sam còn phục vụ các món ăn đặc sản giúp thực khách cảm nhận đầy đủ chất tiêu dao, quên đi mệt nhọc của cuộc sống bộn bề.
Từ mô hình DL nông nghiệp - DL sinh thái, gia đình ông Sam đạt doanh thu trên 9,2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 3 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, ông Sam trực tiếp tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động, thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày/người, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nguồn thu có được từ làm DL, ông Sam tích cực đóng góp cho hoạt động phúc lợi xã hội tại địa phương.
“Thành tích đạt được là niềm vinh dự, tự hào và đặt ra mục tiêu cho bản thân tôi tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới. Tôi sẽ cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư thêm một số hoạt động giải trí để thu hút du khách nhiều hơn, nhằm khai thác tối đa hiệu quả mô hình DL nông nghiệp - DL sinh thái của gia đình, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024” - ông Nguyễn Văn Sam xác định.
Hiện nay, việc nông dân tham gia làm DL xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Do đó, Hội Nông dân tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các mô hình này phát triển, nhằm tạo hướng đi mới trong kinh tế nông nghiệp, đảm bảo vững chắc đời sống nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết: “Chúng tôi sẽ vận động nông dân các địa phương thực hiện mô hình DL nông nghiệp. Bởi, người nông dân hiện nay phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, mà DL sinh thái là một hình thức tiêu biểu. Mong rằng, ngày càng có nhiều hội viên, nông dân trên toàn tỉnh mạnh dạn tiếp cận với hoạt động DL để vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình”.
Nhằm tạo điều kiện để phát triển DL trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển DL nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025. Trong đó, đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển DL khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái nông thôn. Phát huy nét đặc trưng văn hóa địa phương nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững…
Thanh Tiến