Quảng Ninh: Thúc đẩy thị trường du lịch nội địa
Du khách thích thú khi lặn biển tại Cô Tô.
Hiện Quảng Ninh đã chủ động liên kết, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Ninh Bình, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, đặc biệt là những địa phương phía nam như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch nội địa, ngành Du lịch cần nghiên cứu kỹ về nhóm đối tượng du khách này. Theo bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm lữ hành Heritage Quảng Ninh, du khách trong nước thường đi du lịch dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, phổ biến là những chuyến ngắn từ 2-3 ngày và đang có xu hướng kéo dài thời gian du lịch. Khách hay đi theo nhóm nhỏ cùng bạn bè hoặc gia đình, ưu tiên lựa chọn những loại hình du lịch như: Nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi, vui chơi giải trí, mua sắm. Bên cạnh đó là du lịch văn hóa, tâm linh, thể thao, chăm sóc sức khỏe... Về chi tiêu, du khách nội địa chi tiêu cho toàn chuyến ở mức trung bình. Khi đặt mua sản phẩm du lịch, họ quan tâm nhiều đến chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi trực tiếp vào giá.
Một điểm đáng lưu ý là thị trường nội địa khá nhạy cảm với các thông tin và xu hướng phát triển. Việc tiếp cận thông tin từ mạng xã hội có tác động nhất định đối với quyết định của khách du lịch nội địa, đặc biệt thông tin truyền miệng vẫn đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, mức độ yêu cầu về dịch vụ của du khách trong nước ngày càng cao.
Vì vậy, để phát triển thị trường nội địa, Quảng Ninh đã đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng trong phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ; tăng cường liên kết sản phẩm chặt chẽ trong Vùng đồng bằng Sông Hồng; một số tỉnh thành miền Trung, miền Nam. Cùng với đó, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc sắc.
Du khách làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn cũng đã chủ động hợp tác với nhau và tìm kiếm đối tác để tạo nên mạng lưới liên vùng, liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ, từ đó tạo gói chất lượng cao với mức giá hấp dẫn. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh.
Năm 2024, Quảng Ninh dự kiến tổ chức 186 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ có 26 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch quốc tế, cấp quốc gia và cấp tỉnh; 160 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch cấp địa phương, trong đó có nhiều sự kiện truyền thống, đã trở thành thương hiệu của ngành Du lịch Quảng Ninh.
Nổi bật là Tuần Du lịch Hè Hạ Long 2024 được tổ chức vào quý II/2024 gồm chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch: Chương trình Carnaval Hạ Long hè 2024; Lễ hội truyền thống Bạch Đằng; Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh năm 2024; Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2024; Gala xiếc ba miền; Hội chợ OCOP hè 2024... Đây là thời điểm có nhiều ngày nghỉ, ngày lễ như: Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5, cũng là thời gian nghỉ hè của học sinh. Vì vậy, thị trường khách nội địa sẽ rất sôi động. Lượng khách du lịch có xu thế tăng mạnh, tập trung vào đầu tháng 5 và tháng 6, chủ yếu ở các địa phương có thế mạnh du lịch biển đảo như: Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có sức lan tỏa và sức hút du lịch lớn: Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc năm 2024; Giải Golf Quảng Ninh mở rộng; Giải chạy Marathon Hạ Long Heritage... Đồng thời, tham gia hội chợ, ngày hội du lịch tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; tổ chức liên hoan ẩm thực; tổ chức các đoàn famtrip khảo sát du lịch Quảng Ninh.
Du khách thích thú với trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả).
Theo chị Mai Thanh Thúy, Trưởng Phòng Kinh doanh du lịch - lữ hành (VTTC Travel chi nhánh Quảng Ninh), việc xây dựng kế hoạch các chương trình văn hóa, thể thao từ sớm giúp đơn vị dễ dàng giới thiệu đến du khách, mang đến lựa chọn đa dạng cho từng dòng khách. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ chủ động đưa ra các gói sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh, tạo ra tính cạnh tranh cho điểm đến theo từng thời điểm, nhất là vào mùa thu đông - mùa thấp điểm của du lịch nội địa.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, tỉnh cũng sẽ tổ chức các đoàn famtrip khảo sát du lịch Quảng Ninh với khách mời là các Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ quan truyền thông, báo chí trong nước đến khảo sát, đưa tin về các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy kết nối đường bay nội địa với Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc...
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch, du lịch nội địa là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch, quyết định việc hoàn thành mục tiêu đón 17 triệu lượt khách trong năm 2024. Vì vậy, ngay trong năm nay, Quảng Ninh dự kiến đưa vào khai thác 62 sản phẩm du lịch. Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các địa phương sớm triển khai các sản phẩm đã đăng ký. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ vào các địa bàn trọng điểm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Móng Cái... Bên cạnh đó, tập trung rà soát hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; các sản phẩm du lịch sinh thái tại Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên; phát triển các sân golf theo quy hoạch; đẩy nhanh việc triển khai Đề án thí điểm kinh tế ban đêm. Sở cũng sẽ chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển du lịch, phát triển sản phẩm; nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch; đảm bảo nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, đẩy mạnh hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Hoàng Quỳnh