Nông nghiệp canh nông - mô hình thiết yếu của du lịch Đà Lạt
Gắn phát triển du lịch với nông nghiệp công nghệ cao đang là thế mạnh của Đà Lạt - Lâm Đồng.
Cùng nhóm bạn tham gia tour du lịch tại một điểm sản xuất nông nghiệp ở phường 7, TP Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Lan Hương, du khách từ tỉnh Bình Thuận cho rằng, không có gì thú vị hơn khi được tự tay mình chọn hái, nếm thử hương vị một số loại rau, củ, quả ngay tại vườn. Với chị, đây là một chuyến du lịch mang lại nhiều cảm xúc mới lạ, được trải nghiệm công việc của nhà nông và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
“Tôi rất thích khi đến đây, nhất là khung cảnh thiên nhiên, cây trái rất sạch... Khi mình tự tay hái và ăn tại vườn luôn mang lại cảm giác rất vui, thích”, chị Hương nói.
Còn với du khách Trần Đăng, đến từ tỉnh Bình Dương, đây là lần thứ 4 anh đến Đà Lạt để tham quan nghỉ dưỡng. Anh cho biết, khi đã khá quen thuộc các điểm du lịch thác Prenn, thác Datanla, hồ Than thở, Thung lũng tình yêu, Đồi mộng mơ, Vườn hoa thành phố…, việc khám phá, tìm hiểu cảm giác mới qua loại hình du lịch canh nông là một quyết định đúng đắn. Được hòa mình vào công việc đồng áng, được tiếp xúc và nghe nông dân chia sẻ về quy trình trồng, chăm sóc, cho ra các sản phẩm nông nghiệp sạch là một điều rất thú vị, mang lại cảm giác thân thương, gần gũi.
Theo ông Vương Đình Thi, chủ một trang trại sản xuất dâu tây ở Đà Lạt, trước đây việc tiếp đón du khách vào tận vườn tham quan chỉ mang tính tự phát. Vì vậy phần lớn các điểm đến đều không đảm bảo các điều kiện thiết yếu về cơ sở hạ tầng, kể cả sản phẩm rau, củ, quả cũng không đa dạng và đạt chất lượng tốt nhất. Từ ngày chính quyền địa phương xây dựng đề án và khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia mô hình du lịch canh nông thì việc phục vụ du khách đã bài bản hơn, hiệu quả kinh tế cũng đạt cao hơn.
“Mô hình này đang phát triển thuận lợi và nhu cầu về khách cũng rất hấp dẫn. Họ cũng muốn đi ra vườn rồi tự tay hái những trái dâu, trái cà chua, thậm chí là cắt những bông súp-lơ, rau bó xôi, rau vitamin, cắt tại vườn nên họ rất hài lòng. Chúng tôi cũng muốn nâng cấp từng bước đi theo hướng du lịch chất lượng và nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với nhau để tạo sức hấp dẫn cho du khách”, ông Thi cho biết.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách đối với du lịch canh nông ngày càng cao. Ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục khuyến khích nông dân và các đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư để phát triển theo hướng chất lượng cao.
Theo bà Ngọc: “Khi thương hiệu du lịch canh nông ra đời, bước đầu các đơn vị được công nhận đều có những lượt khách nhất định, thậm chí nhiều đơn vị bán vé khách tham quan còn đạt doanh thu cao hơn là bán sản phẩm. Chúng tôi đang tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến và đồng hành cùng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân nâng cao chất lượng dịch vụ của các mô hình du lịch canh nông đã được công nhận”.
Sau gần 3 năm định hướng và phát triển, đến nay, Đà Lạt đã có hơn 30 điểm du lịch canh nông được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn đưa vào hoạt động phục vụ du khách, hơn 10 điểm khác đang trong quá trình nâng cấp đầu tư. Việc coi trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho loại hình du lịch canh nông đi vào phục vụ du khách đã làm đa dạng hóa sản phẩm, góp phần đưa du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt phát triển mạnh mẽ hơn./.