Hoạt động của ngành

Chắp cánh cho du lịch Hạ Long

Cập nhật: 04/12/2019 09:00:58
Số lần đọc: 837
Lâu nay, nhắc đến TP Hạ Long là nhắc đến thương hiệu du lịch biển nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước. TP Hạ Long mới sau khi sáp nhập sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng như rừng núi, trải nghiệm văn hóa dân tộc... tất cả cùng chắp cánh để du lịch Hạ Long vươn lên tầm cao mới.


Khách du lịch tham quan hoa tại điểm du lịch thiên đường hoa Quảng La. Ảnh: Hà Phong

Theo báo cáo của UBND TP Hạ Long, trong 9 tháng năm 2019, du lịch Hạ Long đón 7,9 triệu lượt khách, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 3 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 15.788 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Chỉ tính lượng khách đến với Hạ Long đã giúp du lịch Quảng Ninh vượt lên hẳn so với các địa phương khác, chỉ xếp sau Thủ đô Hà Nội.

Sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ giúp du lịch biển vốn là thế mạnh của Hạ Long được nâng tầm. Không gian được các nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước hướng đến là phần đất ven vịnh Cửa Lục. Chỉ cách vịnh Hạ Long hơn chục cây số, với sự cam kết quan tâm đầu tư hạ tầng của chính quyền tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp lớn, chắc chắn các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp sẽ tiếp tục mọc lên, khắc phục tình trạng “cháy phòng” vào mùa cao điểm.

TP Hạ Long mới sẽ sở hữu nhiều vùng đồi núi, hang động, sông hồ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Đứng chân trên đó là các dân tộc thiểu số (Dao, Sán Dìu, Tày…) với nền văn hóa độc đáo. Đây là những cơ sở để TP Hạ Long mới phát triển thêm các sản phẩm du lịch núi rừng, khám phá trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên. Ông Nguyễn Trung Hậu, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP Hạ Long, cho biết: “Số ngày lưu trú của du khách tại Hạ Long hiện là hơn hai ngày. Sau khi được mở rộng, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, chúng tôi dự đoán sẽ tăng thêm ít nhất nửa ngày lưu trú. Thêm được thời gian lưu trú nghĩa là du khách sẽ chi tiêu thêm, giúp ngành du lịch tăng trưởng, đời sống bà con khấm khá hơn”.

Thói quen của du khách, nhất là du khách nước ngoài thường ưa thích khám phá, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Cho nên, hoàn toàn có thể thu hút du khách sau khi khám phá kỳ quan vịnh Hạ Long, có thể tìm hiểu thêm văn hóa, con người, thiên nhiên rừng núi ở khu vực Hoành Bồ. Trước khi sáp nhập, huyện Hoành Bồ đã có nhiều tuyến, điểm du lịch bước đầu thu hút khách. Nổi bật là tuyến du lịch sinh thái trải nghiệm gồm có các điểm du lịch: Thiên đường hoa Quảng La (xã Quảng La), khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả), trang trại hoa lan (xã Sơn Dương)…; tuyến du lịch văn hóa tâm linh bao gồm: Quần thể danh thắng núi Mằn (xã Thống Nhất), đền thờ Tiến sĩ Vũ Phi Hổ (xã Lê Lợi), chùa Vân Phong (thị trấn Trới)…

Huyện Hoành Bồ cũng đã tập trung quy hoạch vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao như ổi, cam, các vùng trồng hoa. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, trang trại trồng cây ăn quả, đưa vào khai thác tua tham quan vườn cây để du khách có thể thưởng thức những sản vật nổi tiếng của địa phương. Ông Ân Văn Kim, chủ vườn cây ăn quả ở thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, cho biết: “Gia đình tôi kỳ vọng việc sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch sinh thái kết hợp giới thiệu sản phẩm cây ăn quả chất lượng cao. Song, nếu để gia đình tôi tự làm du lịch e khó thành công bởi thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm”.

Điều trăn trở kể trên không chỉ của ông Kim mà còn là của nhiều tổ chức, cá nhân muốn phát triển các sản phẩm du lịch mới. Với kinh nghiệm nhiều năm phát triển du lịch, đạt được nhiều thành tựu, tin tưởng tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ, khẩn trương, thiết thực để sớm kết nối hai sản phẩm du lịch biển và du lịch rừng núi, để du khách đến với TP Hạ Long mới ngày một nhiều hơn.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục