Tin tức - Sự kiện

Nông nghiệp xanh và di sản cùng “sống”

Cập nhật: 13/12/2023 14:20:18
Số lần đọc: 818
Lồng ghép các chính sách phát huy di sản văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới để phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, nâng cao mức sống nông thôn đồng thời nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người nông dân… Đó là giải pháp tốt để có hiệu quả bền vững.

Hội đền Độc Bộ ở Nam Định, một nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

Sự kết hợp cho lợi ích nhiều mặt

Nông thôn Việt là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa truyền thống phong phú. Cộng đồng cư dân là chủ thể văn hóa, cũng là lực lượng giữ vai trò chính khi bảo vệ, phát huy các truyền thống này. Để chủ thể văn hóa thật sự phát huy và khẳng định vai trò của mình, phải tạo điều kiện để nông dân được tham gia vào việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, bước đi trong việc xây dựng nông thôn mới. Điều này cũng phù hợp xu thế chung của thời đại là tôn trọng chủ thể sáng tạo văn hóa và thân thiện với môi trường sinh thái - nhân văn.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa/khu dân cư văn hóa có các tiêu chí: Phát triển nghề truyền thống; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương; bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Huyện Nông thôn mới có tiêu chí: Các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa và phát huy hiệu quả; các di sản văn hóa trên địa bàn được kiểm kê, ghi danh, truyền dạy, xếp hạng, tu bổ, tôn tạo…

Lồng ghép chính sách phát huy di sản trong xây dựng nông thôn mới sẽ giữ gìn bản sắc văn hóa đi đôi với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội, cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và bảo đảm an ninh nông thôn. Việc lồng ghép bảo tồn di sản văn hóa gắn kết phát triển nông thôn mới được nhìn thấy thu nhiều lợi ích cả về vật chất và tinh thần, không chỉ với cộng đồng chủ thể văn hóa tại đó mà còn nâng cao mức phát triển xã hội nói chung và làm đẹp hơn hình ảnh đất nước.

Những mô hình thí điểm cho kết quả tốt

Bảo tàng sinh thái là một dạng bảo tồn “sống”, “bảo tồn tại chỗ” tất cả cảnh quan thiên nhiên, đời sống xã hội, môi trường sinh thái - nhân văn của cộng đồng cư dân địa phương. Mô hình này cho phép cộng đồng và du khách cùng thấu hiểu nhận thức và thực hành các phương thức phát triển bền vững văn minh: Không lãng phí tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường; không tạo bất bình đẳng xã hội và không làm suy thoái văn hóa và đạo đức.

Mô hình Du lịch di sản tương đồng nâng cao các giá trị của các tài nguyên địa phương cũng như phát triển các nguồn lực thông qua thúc đẩy phát triển du lịch, sử dụng hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể và đời sống văn hóa truyền thống - nhất là với loại hình di sản mang tính nghi lễ, tập tục. Khách du lịch sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với các di sản này và cũng có cơ hội để sử dụng các dịch vụ liên quan tới di sản. Mô hình này đã được triển khai thí điểm thành công tại nhiều tỉnh, thành phố.

Nông thôn còn mang không gian lịch sử, không gian văn hóa, không gian gắn kết cộng đồng. Mô hình Nông nghiệp xanh - Di sản sống sẽ gắn kết - sử dụng - gìn giữ những chiều cạnh của các không gian đó. Mô hình này nhấn mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát huy nghề thủ công truyền thống, sử dụng tri thức dân gian, ứng xử hài hòa, thân thiện với môi trường để phục vụ lợi ích của cộng đồng. Nông nghiệp xanh - Di sản sống biến mô hình sản xuất nông nghiệp thành đối tượng trải nghiệm văn hóa thú vị, hấp dẫn du khách, góp phần bảo tồn văn hóa làng quê Việt, thúc đẩy du lịch xanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Các mô hình kể trên đều thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đã được triển khai thí điểm và cho kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để triển khai trên diện rộng, việc lồng ghép bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều việc cần làm: Xây dựng chiến lược và kế hoạch truyền thông; Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; Chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường; Kết nối các tuyến du lịch với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phát triển sản phẩm thủ công, nông sản, sản phẩm tri thức và văn hóa truyền thống; Bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan sinh thái - văn hóa cộng đồng cư dân địa phương… Khi triển khai thực hiện các chương trình lồng ghép cần phát huy những sáng kiến và điều nhất thiết cần có là tăng quyền và tích cực huy động sự tham gia của những người thụ hưởng.

TS Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản văn hóa): Việc thiết lập các mô hình như: Bảo tàng sinh thái, Kết nối hành trình du lịch di sản tương đồng, Nông nghiệp xanh - Di sản sống vừa là sự tiếp tục những hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa làng/bản, vừa là quá trình đổi mới nhận thức và hành động của cộng đồng cư dân sinh sống ở nông thôn, chủ thể sáng tạo đích thực của văn hóa từ truyền thống đến đương đại.

Anh Trang

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 12/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT